Gặp lại người chỉ huy biệt động Sài Gòn - Gia Định

Người đồng chí sát cánh…
Gặp lại người chỉ huy biệt động Sài Gòn - Gia Định

Vào một ngày tháng 5-2010, tôi đến thăm ông Tư Chu (Đại tá Nguyễn Đức Hùng, nguyên Chỉ huy các lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định), vị chỉ huy lừng danh của lực lượng biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Mặc dù đã biết ông bị bệnh khá nặng nhưng dù sao mắt tôi cũng thoáng cay cay khi nhận thấy vị chỉ huy dũng mãnh, tình nghĩa năm nào của đội quân đặc biệt ấy đã không còn đủ sức ăn uống như bình thường nữa. Ông đã yếu lắm nhưng đôi mắt vẫn sáng rực mỗi khi ông kể về những kỷ niệm, những đồng đội của mình…

Ông Tư Chu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Tư Chu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

1. Tôi đến, ông đứng dậy đã khó khăn nhưng vẫn gắng sức. Ông tặng cho tôi quyển “Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành. Quyển sách biết bao tâm huyết dày hơn 200 trang. Tôi biết, ông đã rất khó khăn mới cho ra đời quyển sách này vì sức khỏe không cho phép. Ông nói với tôi qua sự phiên dịch của người vợ, cũng là lính biệt động năm xưa là chị Đoàn Thị Nhỏ rằng bây giờ ông không viết được, không nói được nữa.

Tôi rưng rưng cầm quyển sách trên tay ông giao cho. Tôi bỗng nhớ đến hôm kỷ niệm 40 năm chiến dịch Mậu Thân (2008), chú Sáu Dân có nói với tôi về ông Tư Chu: “Đó là một người chỉ huy mưu trí, dũng cảm và lãng mạn - cách mạng. Tư Chu đóng vai trò quan trọng trong chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn”. Có lẽ cái “lãng mạn” của ông Tư Chu mà chú Sáu Dân nói chính là dù còn thở, tim còn đập là ông còn làm việc vì biệt động, sống vì biệt động…

Tôi được biết anh Tư Chu ngay trong những ngày đầu thành lập lực lượng biệt động. Anh là một chỉ huy luôn luôn có trong “túi” những mục tiêu quan trọng được chuẩn bị, nghiên cứu công phu với phương án tấn công trí tuệ. Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Tư Chu, đó là một người chỉ huy bản lĩnh, nhiệt tình và trong chừng mực nào đó, có chất lãng mạn cách mạng. Anh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong những chiến thắng của lực lượng này.

Khi đã nghỉ hưu, anh Tư Chu đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm những người đồng đội, ghi chép lại những chiến công, theo dõi những bước thăng trầm và âm thầm giúp đỡ họ. Bằng sự giúp đỡ của anh, nhiều đơn vị và chiến sĩ biệt động đang được xét truy tặng danh hiệu Anh hùng. Tôi biết anh mong đợi cái ngày công lao của những đồng đội đã hy sinh này, được vinh danh xứng đáng…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Điều đặc biệt ở ông Tư Chu chính là tình thương của ông đối với các chiến sĩ. Tôi được biết, ông đã kiên trì đi tìm, thu thập tên của các chiến sĩ ở các mũi tấn công Tết Mậu Thân 1968. Có tất cả 124 người bao gồm cả những người phục vụ và giữ kho vũ khí, hầu hết ở các hướng tấn công đều đã hy sinh. Trong danh sách của ông, tôi thắt tim, ở hàng thứ 2 mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy có một người không có tên thật mà bí danh cũng không có. Đặc biệt, trong danh sách các chiến sĩ đã hy sinh tại trận, rất nhiều người không có tên thật, chỉ có bí danh với một cái tên “ông Bảy”, “bà Báo”, “Mười”, “Ba”. Còn có hàng chục tên khác, ông ghi “hình như tên thật”. Nghĩa là đến nay, các chiến sĩ anh hùng của chúng ta làm nên Mậu Thân ở Sài Gòn chấn động thế giới vẫn còn là chiến sĩ “vô danh”. Cho đến hài cốt của các anh, chúng ta cũng chưa biết hết. Ông Tư Chu phều phào nói với tôi: “Trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, các chiến sĩ hy sinh gần hết (trừ Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Thanh Vân bị thương nặng, bị kết án tù và trở về sau giải phóng), còn 19 chiến sĩ của chúng ta được người Mỹ gom đi chôn ở đâu đến nay cũng không rõ…”.

Ông đau lắm. Mỗi lần tôi gặp ông, ông đều nhắc đến họ. Ông đã đi tìm hài cốt của họ, tìm thân nhân của từng người. Ở đâu có manh mối, vị chỉ huy biệt động lại tất tả lên đường. Cho đến ngày ông bị phát bệnh ung thư vòm họng, ông lại làm đơn gửi khắp nơi từ TP đến trung ương đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho những đồng đội, chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã hy sinh. Tình cảm ấy, nghĩa cử ấy của ông, nhiều đồng đội còn sống và cả thân nhân của những người đã khuất đều trân trọng.

2. Ông Tư Chu đi lại đã khó khăn, vậy mà, tôi chợt thấy ông rạng rỡ khi đưa cho tôi danh sách các chiến sĩ biệt động thân thương của mình được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng. Đó là 8 cá nhân và 3 đơn vị - những đồng đội mà suốt nhiều năm trời, ông Tư Chu dày công đề nghị.

Ngày 17-4-2010 vừa qua, TPHCM đã tổ chức lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng mà phần lớn trong đó là thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ông Tư yếu lắm rồi, không đủ sức đi dự, chung vui với đồng đội nữa. Chị Tư Nhỏ, người bạn đời của ông kể lại: “Ổng yêu cầu tôi đem chiếc ghế mây ra trước tivi để tiện theo dõi truyền hình trực tiếp. Vừa thấy hai anh thanh niên, con trai anh Ba Đen, người chỉ huy đánh Tòa Đại sứ Mỹ, ông đã ngồi bật dậy, nhìn chăm chú. Đến vợ Bảy Lém (tức liệt sĩ Nguyễn Văn Lém, đội trưởng Đội 3, biệt động thành) lên nhận thì ông cười nhưng nước mắt lại ràn rụa. Ông khóc như đứa trẻ…”.

Việt tấn xã (chính quyền Sài Gòn) ghi lại hình ảnh trận đánh KS Victoria của biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Việt tấn xã (chính quyền Sài Gòn) ghi lại hình ảnh trận đánh KS Victoria của biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Ngồi đối diện với ông Tư Chu, nhắc đến 8 cá nhân anh hùng, tôi thấy nhắc đến ai, ông cũng ứa lệ, bởi ông thương tất cả các chiến sĩ anh dũng của ông. Trong hai đợt của chiến dịch Mậu Thân 1968 có tới 65 cán bộ và chiến sĩ trong danh sách được ghi “hy sinh tại trận”, chị Tư Nhỏ nói: “Đào tạo được một chiến sĩ biệt động, biết cách sống trong lòng địch, biết đánh những đòn hiểm, mưu trí, linh hoạt, dũng cảm… phải mất nhiều năm mới có được. Vậy mà chỉ một trận đã mất gần hết số quân. Ổng buồn lắm. Nay Nhà nước tuyên dương Anh hùng cho những đồng chí, đồng đội ấy, nỗi đau phần nào đã bớt”. Chị nói nhỏ: “Nếu ổng “ra đi”, chắc đã nhẹ lòng…”.

Sự sống của ông hiện được tính từng ngày. Vài năm trước đây, tôi đến nhà, ăn cơm với ông, món duy nhất mà ông dùng được là tô canh khoai mỡ nghiền nát với một cốc sữa. Còn bây giờ, tất cả mọi thứ để nuôi sống cơ thể từng ngày đều phải qua đường ống ở bên hông, kể cả nước uống. Tôi hỏi ông: “Khô miệng thì làm sao?”. Ông không nói mà cầm ly nước đổ vào miệng, súc qua rồi nhả ra. Tôi hiểu, ông đã yếu lắm…

Rời căn nhà ông, tôi quay nhìn lại để một lần nữa chào người chỉ huy kiên cường, sống trong lòng địch trên 30 năm, chỉ huy hàng trăm trận lớn nhỏ… Khi tôi viết những dòng này thì nhận được tin ông Tư Chu đang nhập viện và ngay sau đó Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đến thăm và tặng tiền in cho cuốn sách mới của ông.

Có thể nói, gặp ông như gặp những chiến binh oai hùng một thời làm cho bọn Mỹ và tay sai kinh hồn bạt vía. Đó là một binh chủng làm nên những chiến công mà cho đến nay, nhiều người đã biết. Nhưng còn rất nhiều người, kể cả đối thủ trực tiếp của chúng ta cũng chưa hiểu hết về họ - những con người quả cảm của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Lê Thành Chơn

Gặp lại người chỉ huy biệt động Sài Gòn - Gia Định ảnh 3

Tin cùng chuyên mục