Gas dỏm tái xuất

Sau thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng sang chiết gas trái phép lại tái xuất bằng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi với quy mô lớn. Nguyên nhân được xác định là do công tác phối hợp kiểm tra, xử lý lĩnh vực này còn chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. 
 Đưa bình gas vào một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1 Ảnh: CAO THĂNG
Đưa bình gas vào một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1 Ảnh: CAO THĂNG
“Chiêu” mới
Vào trung tuần tháng 1-2018, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM bất ngờ ập vào bãi đất trống thuộc tổ 18, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, bắt quả tang nhiều người đang thực hiện hành vi sang chiết gas trái phép. Tại hiện trường, lực lượng QLTT phát hiện 51 bình gas loại 12kg được nối ống vào 14 khay chiết gas tự chế, 5.000 bình gas mini và 7 xe gắn máy được thiết kế dạng xe giao hàng.
Làm việc với lực lượng QLTT, các đối tượng cho biết số bình gas mini nói trên được gom từ các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, quán nhậu về, sau đó được sơn lại. Để việc sang chiết gas nhanh gọn, các đối tượng tự thiết kế khay sang chiết, sau đó nối ống sang chiết từ bình gas 12kg qua bình gas mini. Các bình gas này sau đó được đem giao cho các nhà hàng, quán nhậu.
Nằm sát ranh giới với TPHCM, cùng thời điểm, Công an thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) phối hợp cùng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương phát hiện, xử lý cơ sở sang chiết gas lậu quy mô lớn nằm khuất trong bãi đậu xe container ở phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An) do ông Trần Văn Hải (40 tuổi, ngụ Nghệ An) làm chủ. Theo đó, để ngụy trang, ông Hải cho xe bồn 61C - 016.29 đã bị hư, không lưu thông được nằm chắn ngay trước cửa khu vực sang chiết gas. Phía bên trong là khu vực sang chiết gas được che chắn bằng những mái tôn tạm bợ.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra bắt quả tang hành vi sang chiết LPG từ xe bồn 10 tấn sang chai loại 12kg và 45kg (xe bồn đậu sát nhà có 4 vòi dùng để sang chiết LPG từ bồn sang chai). Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định. Tang vật, phương tiện gồm: 1 xe bồn 10 tấn, 1 xe tải loại nhỏ, 30 LPG chai loại 12kg các loại (có gas), 27 chai LPG loại 12kg các loại (không có gas), 4 chai LPG loại 45kg (không có gas), 1 cân điện tử loại cân 50kg. 
Theo Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, trong năm 2017, lực lượng quản lý địa bàn đã kiểm tra 1.750 vụ, phát hiện 988 vụ vi phạm, xử lý 993 vụ. Tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 4,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy số hàng hóa trị giá 1,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một cán bộ Sở Công thương TPHCM cho biết sau thời gian bị truy quét, các đối tượng sang chiết gas lậu trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể, gần đây chưa phát hiện những vụ quy mô lớn. “Hiện các đối tượng sang chiết gas lậu quy mô lớn thường dịch chuyển địa bàn hoạt động chủ yếu ra các tỉnh lân cận TPHCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai... thuê mướn nhà xưởng ở những điểm vắng người qua lại để hoạt động. Riêng tại TPHCM, tình trạng sang chiết từ bình gas loại 12kg sang bình mini vẫn hoạt động, dù không nhiều nhưng các đối tượng thường xuyên di chuyển địa điểm nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện”, vị cán bộ này cho biết. 
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trước diễn biến gas dỏm ngày càng phức tạp, vừa qua, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi đến Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ ngành liên quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng gas; cũng như những khó khăn, vướng mắc, chậm xử lý của các cơ quan chức năng địa phương. Đại diện hiệp hội cho biết, đến nay tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn xử lý, thậm chí các cơ quan chức năng vẫn đùn đẩy trách nhiệm với lý do không đủ cơ sở để xử lý đối tượng sang chiết gas trái phép.
Để gỡ nút thắt trong vấn đề quản lý, phối hợp kiểm tra, xử lý tình trạng gas dỏm hiện nay, mới đây tại cuộc họp về công tác quản lý thị trường đối với vấn nạn “cắt tai, mài vỏ” bình gas, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nghiêm khắc phê bình Cục trưởng Cục QLTT thiếu trách nhiệm, không kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý, phối hợp các đơn vị trong bộ và bộ ngành khác. Đồng thời, yêu cầu Cục QLTT lập tổ công tác xem xét, xử lý vụ việc liên quan đến một số doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khí có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đặc biệt qua hành vi chiếm dụng trái phép vỏ bình gas, “cưa tai mài vỏ”, tổ chức sang chiết gas trái phép.
Trước đó, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng gas dỏm tung hoành trở lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đã ký ban hành công văn gửi các địa phương trong cả nước, chỉ đạo “Về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh gas”. Công văn nêu rõ, thời gian qua, thị trường sản xuất kinh doanh mặt hàng gas trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật với các hành vi chiết nạp gas lậu, gas giả, kém chất lượng, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas của nhau; “cắt tai, mài vỏ”, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu; chiếm đoạt, hủy hoại vỏ bình, gây thiệt hại kinh tế, có nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Vì vậy, để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi an toàn cho người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị trưởng ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng gas để có biện pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục