Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự dửng dưng với LHP biểu hiện ngày càng rõ. Thậm chí, đã xuất hiện những hồ nghi, sự phân vân liệu có mang phim đi dự LHP trong đội ngũ các nhà sản xuất. Tính 3 kỳ tổ chức gần đây nhất: LHP lần thứ 19 - năm 2015 tổ chức tại TPHCM được coi là sôi động với nhiều khán phòng chật kín khán giả, ngay cả một số phim được cho là “khó” xem. Nhưng không khí ấy ngày càng nguội dần tại kỳ tổ chức ở Đà Nẵng vào năm 2017 và tại TP biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào năm 2019. Ví von không quá lời, LHP Việt Nam chẳng khác nào trái bóng đang xì hơi.
Chuyện thờ ơ với các giải thưởng điện ảnh trong nước như Cánh diều, Bông sen, thôi thì đã nói mãi. Những hạn chế, tồn tại cũng được mổ xẻ tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị.
Vậy nên, tại cuộc hội thảo mới nhất này, 3 hạn chế được nêu ra không mấy bất ngờ đối với những người làm nghề: chưa đổi mới cách thức tổ chức; nội dung không có nhiều thay đổi từ nhiều năm nay; công tác quảng bá chưa mang lại hiệu quả. Đặt trong đối sánh thị trường điện ảnh nội đang có những chuyển mình mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây, điều đó thật sự đáng buồn. Nó hoàn toàn đối lập với không khí hồ hởi nhà nhà làm phim, người người làm phim; các công ty tư nhân liên tiếp chào sân thị trường; đội ngũ các nhà làm phim trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê; những kỷ lục phòng vé liên tiếp bị xô đổ…
Quy luật đào thải thị trường đã không còn chỗ cho dòng phim hài nhảm hay những nhà sản xuất dễ dãi, làm phim kiểu “ăn xổi, ở thì”, trong khi đó LHP vẫn cứ sống trong bọc kén, không chịu chuyển mình.
Người làm nghề, đặc biệt những cá nhân tâm huyết và gắn bó với giải thưởng dĩ nhiên không khó để bắt mạch chính xác căn bệnh “trầm kha” ấy. Thậm chí, với những bộ phim hay cá nhân được vinh danh, dù rất xứng đáng họ còn mang trong mình nỗi buồn. Nghe có vẻ phi lý nhưng lại hoàn toàn có lý. Những bình luận đại loại như: năm nào giải thưởng cũng được chia đều; tiêu chí một đằng chấm giải một nẻo; giải trong nước thì giá trị gì…, khiến niềm vui chiến thắng chưa kịp hâm nóng đã bị dội gáo nước lạnh. Ngay cả khi sự tôn trọng trong chính đội ngũ những người làm nghề dành cho nhau sụt giảm, thử hỏi mấy ai còn mặn mà.
Cục Điện ảnh - đơn vị đứng ra tổ chức LHP không thể nói là không nhìn thấy những tồn tại như đã nêu. Nhưng, sự nhìn nhận ấy liệu đã thực sự thấu đáo, căn cơ và đi sâu vào tận gốc rễ vấn đề. Thực trạng đã quá rõ nhưng nếu không đủ quyết liệt thì những tồn tại, hạn chế ấy sẽ vẫn cứ bén rễ, lây lan, trong khi các giải pháp đưa ra chỉ như “ném đá ao bèo”. Thực tế sự phai nhạt niềm tin vào LHP đã cho thấy điều đó. Hào quang trong quá khứ là điều không thể phủ nhận, nhưng nếu cứ vin vào danh hiệu cũ ấy làm sao có thể đưa ra giải pháp thiết thực, sát sườn.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã tổng kết được 13 điểm, có thể xem là giải pháp cho LHP Việt Nam dựa trên ý kiến của các đại biểu dự hội thảo. Làm được từng đó việc, thương hiệu LHP Việt Nam chắc chắn sẽ rất khác. Ông cũng hé lộ kỳ tổ chức tới đây, lần thứ 22 năm 2021 tại Thừa Thiên - Huế, trước mắt sẽ có 2 đổi mới về ban giám khảo và thành phần khách mời. Lời hứa đó đầy hấp dẫn và cần thời gian để kiểm chứng. Từ nay đến kỳ tổ chức tiếp theo, thời gian còn hơn 1 năm. Tuy nhiên, sẽ chẳng bao giờ đủ nếu không có sự thay đổi từ trong tư duy của chính những người tổ chức. Trước khi có một bộ máy làm LHP chuyên nghiệp mà hiện chưa có giải pháp nào như chia sẻ của ông Thành, thì việc hoàn thành dự thảo trong thời gian sớm nhất có thể xem là tín hiệu tích cực.