General Motors “tái sinh”

General Motors “tái sinh”

Ngày 10-7, sau 40 ngày gửi đơn xin bảo hộ phá sản (1-6), đại gia xe hơi Mỹ, hãng xe hơi lớn nhất thế giới General Motors (GM) chính thức trở lại thị trường với bộ máy và cơ cấu mới.

Chủ tịch mới của GM, Edward E. Whitacre, Jr. tại cuộc họp báo ở Detroit ngày 10-7, công bố GM “thoát nạn”
Chủ tịch mới của GM, Edward E. Whitacre, Jr. tại cuộc họp báo ở Detroit ngày 10-7, công bố GM “thoát nạn”

Trước đó, ngày 5-7, Tòa án Liên bang Mỹ chấp thuận kế hoạch bán tài sản của GM, để hãng tiến tới giai đoạn tái cấu trúc, tiếp tục đứng dậy sau “bão” tài chính. Công ty mới có tên General Motors Company, trụ sở ở Detroit. GM cũ gồm các bộ phận hoạt động kém hiệu quả đổi tên thành Motors Liquidation Company và vẫn ở trong tình trạng phá sản trong vài năm tới.

Tại GM mới, Quốc hội Mỹ (vốn đã “bơm” cho hãng 50 tỷ USD) sẽ giữ khoảng 60% cổ phần, Chính phủ Canada 12%, Nghiệp đoàn Xe hơi Mỹ 17,5% và các cổ đông đang nắm phiếu nợ giữ 10% còn lại. Về thương hiệu, General Motors Company sẽ giữ lại Buick, Cadillac, Chervolet và GMC. Ban lãnh đạo GM mới gồm 13 thành viên, trong đó 6 thành viên từ Hội đồng quản trị GM cũ, một thành viên do Canada chỉ định và các thành viên còn lại do Quốc hội Mỹ chỉ định. Fritz Henderson vẫn giữ chức giám đốc điều hành công ty. Edward Whitacre, cựu chủ tịch AT&T, được bổ nhiệm làm chủ tịch GM mới. Thời làm ở AT&T (1990-2007), Whitacre đã đưa AT&T trở thành một trong những hãng điện thoại hàng đầu Mỹ.

Các nhà phân tích tài chính đánh giá sự hỗ trợ của chính phủ đã tạo điều kiện rất lớn để GM tiếp tục vượt qua những thử thách về quản lý và điều hành trong tình hình kinh tế vẫn chưa hồi phục. Theo Giám đốc điều hành Henderson, trong quá trình hoàn thiện bộ máy mới, GM sẽ tiếp tục cắt giảm 20% số kỹ sư của hãng (khoảng 6.000 người) cùng 35% số thành viên ban lãnh đạo. Giám đốc tài chính Ray Young cho biết, GM theo kế hoạch sẽ trả những khoản nợ cho Bộ Tài chính Mỹ trước thời hạn 2015. Năm 2010, GM mới sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Đây cũng là một trong những nguồn tài chính để GM trả nợ. Henderson cho biết, việc đứng dậy từ đáy khủng hoảng là điều bình thường trong kinh doanh. Những thành viên tiếp tục đi cùng GM trong thời gian tới phải sẵn sàng thay đổi và phải chuẩn bị cho cuộc đua tốc độ cao.

Trong khi đó, đối thủ của GM là Ford Motor vẫn từ chối những khoản cho vay khẩn cấp từ Chính phủ Mỹ. Giám đốc tài chính của Ford, Lewis Booth cho biết, hãng đang nỗ lực cân bằng tài chính để tránh phá sản.

Riêng Chrysler đã bán tất cả tài sản của hãng cho Tập đoàn Fiat SpA (Italia) với giá 2 tỷ USD. Công ty mới sẽ có cổ phần chi phối 68% thuộc Nghiệp đoàn công nhân xe hơi Mỹ (UAW), Fiat sẽ nắm 20%, Chính phủ Mỹ và Canada sẽ nắm 12% còn lại.

Khủng hoảng tài chính kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành kinh doanh ô tô của Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán xe hơi của Mỹ đã giảm 30%, trong khi doanh số tại thị trường Nhật Bản giảm 20%.

THIÊN NHƯ (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục