Báo cáo với Quốc hội về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thị trường bất động sản năm 2019 có xu hướng giảm nhiệt, thể hiện qua một số chỉ tiêu như: Lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quý III, quý IV/2019), một số chỉ tiêu thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018).
Hiện nay, thị trường bất động sản đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường.
Vẫn theo cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I-2020 chỉ đạt khoảng 16% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 04 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đến tháng 5-2020, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I-2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Tính đến hết tháng 6-2020 có 42.716 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có khoảng 2.521 giao dịch, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 6.774 giao dịch bất động sản thành công.
Nguồn cung nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2020 có tăng tuy nhiên vẫn còn hạn chế và giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 5,8% so với cùng kỳ quý II năm 2019). Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đ/m² trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m²) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Đáng lưu ý, giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Số liệu về biến động chỉ số giá đối với nhà ở cụ thể như sau: tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019; tại TPHCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với cùng kỳ năm 2019, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu hút nguồn vốn FDI sau một số năm, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Tuy nhiên, hiện nay theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6-2020, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 850 triệu USD, chiếm 5,7% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.
Bộ Xây dựng dự báo, trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.