
- Thủ tướng chỉ đạo giám sát các ổ dịch cũ, phát hiện và ngăn chặn sớm các ổ dịch mới
Dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL đang diễn biến hết sức phức tạp. Điều đáng quan ngại là gần đây gia cầm dù đã tiêm phòng vẫn chết hàng loạt. Nhiều người đặt vấn đề: liệu gia cầm có bị lờn thuốc?
Thuốc chưa “thấm”?

Đàn vịt chạy đồng chưa tiêm phòng ở Sóc Trăng là nguy cơ lớn về dịch bệnh. Ảnh: H.P. L.
Chiều 16-1, chúng tôi trở lại Hậu Giang, một trong những “điểm nóng” nguy cơ bùng phát gia cầm. Ông Nguyễn Văn Đâu, ở ấp 5, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ bần thần: “Nghe nói tiêm phòng là an toàn, vậy mà đàn vịt 1.500 con của tôi đã phát bệnh chết sau khi tiêm vaccine chưa được 1 tuần”.
Còn đàn vịt 708 con đã 5 tháng tuổi của ông Hồ Văn Lác, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ cũng chết hàng loạt sau khi tiêm phòng 4 ngày, với các triệu chứng cúm gia cầm (!?). Theo Chi cục Thú y Hậu Giang, đến ngày 16-1, toàn tỉnh có 9 đàn gia cầm (chủ yếu là vịt) tổng số gần 4.000 con phát bệnh chết hàng loạt sau khi tiêm phòng.
Tại Kiên Giang, cũng xuất hiện gia cầm chết tràn lan sau khi tiêm vaccine. Theo thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Kiên Giang, nhiều khả năng gia cầm chỉ mới tiêm phòng vài ngày nên thuốc chưa “thấm”. Có thông tin cho rằng, vaccine bị lờn cũng là một nghi vấn?
Gia cầm tiêu hủy gây ô nhiễm
Có mặt tại vùng dịch bùng phát dữ dội ở xã Thuận Hòa (Long Mỹ - Hậu Giang) chúng tôi nhận thấy gia cầm vẫn đang chết hàng loạt tại ấp 4, ấp 5. Việc tiêu hủy, tiêu độc sát trùng đang được tiến hành nhưng còn nhiều bất cập.
Cụ thể, đàn vịt 1.080 con của anh Nguyễn Vũ Phương bị cúm gia cầm được tiêu hủy ngày 11-1, hố chôn cách nhà chưa đầy 20m. Sáng 16-1, hố chôn này đã bốc mùi hôi nồng nặc. Người dân không chịu nổi phải báo với chính quyền địa phương và ngành thú y đem vôi bột rải thêm. Còn hố chôn hơn 1.000 con vịt của anh Nguyễn Văn Đâu, ở ấp 5, xã Thuận Hòa chỉ được phun xịt thuốc sát trùng xung quanh 1 lần, không tiêu độc sát trùng trong bán kính 500m…
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Hậu Giang, yêu cầu sát trùng đối với các ổ dịch trong vòng bán kính 500m mỗi ngày 1 lần. Và tiêu độc mỗi tuần 2 lần đối với nơi cách bán kính 1km.
Hiện tại, nhiều hộ dân có gia cầm mắc bệnh cúm bị tiêu hủy rất bức xúc vì không được cán bộ ấp, xã và ngành thú y thông tin về mức giá hỗ trợ, cũng như thời gian được hỗ trợ. Ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang thừa nhận: Thủ tục hỗ trợ tiêu hủy gia cầm còn qua nhiều khâu, quá rườm rà. Vấn đề này, chi cục đã đề nghị lên Sở Tài chính tỉnh sớm xem xét giải quyết.
An Giang: Kỷ luật 5 chủ tịch xã
Ngày 16-1, nguồn tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết: Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới vừa ra quyết định kỷ luật đối với 3 vị chủ tịch UBND các xã Long Kiếng, An Thạnh Trung và Hội An. Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Phú Tân cũng ra quyết định kỷ luật chủ tịch UBND 2 xã Phú Xuân và Phú Thành. 5 vị chủ tịch xã này bị kỷ luật vì lơ là, chủ quan trong việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm.
Hiện nay dịch cúm gia cầm xảy ra ở 38 xã, phường, 18 huyện, thị thuộc 7 tỉnh chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Tổng số gia cầm mắc bệnh và chết là 17.960 con; tiêu hủy 22.865 con. |
HUỲNH LỢI – BÌNH ĐẠI
*****
* Trước tình hình dịch cúm gia cầm tái bùng phát và đang có chiều hướng lây lan nhanh, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL và có nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người, ngày 16-1, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 90/CĐ-TTg chỉ đạo ngăn chặn, dập tắt dịch kịp thời.
Công điện nêu rõ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các Bộ: NN-PTNT, Y tế và các cơ quan có liên quan, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của địa phương, cơ quan; thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 2119/CĐ-TTg ngày 22-12-2006 nhằm sớm khống chế, dập tắt dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: NN-PTNT, Y tế, VH-TT, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương tổ chức tốt việc tuyên truyền về nguy hại của dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, tăng cường các biện pháp giám sát (nhất là các ổ dịch cũ), phát hiện sớm các ổ dịch mới để kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dập dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vaccine bổ sung, bảo đảm tất cả đàn gia cầm, thủy cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm phòng.
Bộ Y tế theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh trên thế giới, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trong nước và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N1), kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, thiết bị và thuốc men bảo đảm đủ và kịp thời cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có phương án cụ thể và tổ chức tốt việc bảo đảm thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng “sốt giá”.
L.V.
TPHCM: Thông tin cấp bách đến tận tổ dân phố Đ.P. |
Thông tin liên quan |