ĐBSCL: Nguy cơ dịch lan rộng toàn vùng

Bộ Y tế chỉ thị tăng cường công tác y tế
ĐBSCL: Nguy cơ dịch lan rộng toàn vùng
ĐBSCL: Nguy cơ dịch lan rộng toàn vùng ảnh 1

Tại huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nhiều người dân vẫn... thoải mái nuôi vịt thả đồng.
Ảnh: T.B.

Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện dịch cúm gia cầm xảy ra ở 41 xã, phường, 19 huyện, thị thuộc 7 tỉnh chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Tổng số gia cầm mắc bệnh và chết là 17.960 con; tiêu hủy 22.865 con. Tổng số gia cầm được tiêm phòng là 2.110.919 con, trong đó 324.187 gà, 1.785.742 vịt.

Ngày 15-1, gia cầm tiếp tục chết rải rác ở Hậu Giang, nhất là ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A. Tại Bạc Liêu, ngày 14-1, dịch phát thêm ở các xã mới như Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) và Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình).

Tổng số gia cầm tiêu hủy trong ngày là 2.234 con. Sóc Trăng đang thu hoạch sớm lúa đông-xuân nên những ngày qua nhiều đàn vịt chạy đồng từ các tỉnh ĐBSCL tràn về, là mối lây lan dịch bệnh rất lớn.

Hiện Vĩnh Long đã phát hiện có dịch cúm và Trà Vinh giáp ranh cũng có dịch… do đó nguy cơ lây lan sẽ không nhỏ.

Trước tình hình dịch cúm có nguy cơ lan rộng, ngành y tế các địa phương đã xây dựng cụ thể kế hoạch phòng chống dịch trên cả hệ dự phòng, hệ điều trị và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, cơ số thuốc để sẵn sàng chống dịch; chuẩn bị các phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm cúm A-H5N1.

Bộ Y tế chỉ thị tăng cường công tác y tế

Ngày 15-1, Bộ trưởng Bộ Y Tế Trần Thị Trung Chiến đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007, với 9 nội dung công việc cần thực hiện. Trong đó, chủ yếu là tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp do virus cúm A (H5N1) và các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch, nhất là khi có tình huống khẩn cấp.


Thành phố Hồ Chí Minh
Khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch cúm gia cầm

Trong tình hình dịch cúm gia cầm hiện đang lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL, các ban, ngành chức năng TPHCM đã khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch, tiến hành kiểm tra, kiểm soát gia cầm đưa vào TP. Lãnh đạo các sở, ngành thể hiện quyết tâm, đưa ra các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch cúm tại TPHCM.

  • Cần có sự phối hợp, kiểm tra giữa TPHCM và các tỉnh

ĐBSCL: Nguy cơ dịch lan rộng toàn vùng ảnh 2

Sơ đồ dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL tính đến ngày 15-1 (dấu chéo là các ổ phát sinh dịch cúm).
Ảnh: T.M.T. - Google

Ông DƯƠNG THANH HOÀNG, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM: Không phải chờ đến khi dịch bùng phát ở miền Tây chúng tôi mới triển khai kế hoạch kiểm tra. Ngay từ trước đó, Chi cục QLTT đã họp với các lực lượng công an, thú y và thanh niên xung phong để thống nhất kế hoạch hành động liên ngành chốt chặn cố định và lưu động tại các cửa ngõ ra vào TP.

Chúng tôi đã xác định có 4 khu vực, ứng với 4 cửa ngõ ra vào của TP như sau: Khu vực 1 thuộc cửa ngõ hướng từ miền Tây vào TP qua các quận 8, Bình Tân, Bình Chánh. Khu vực 2 thuộc cửa ngõ hướng Tây Nam vào TP qua các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Q12. Khu vực 3 là cửa ngõ từ miền Đông Nam bộ là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước vào TP qua các quận 2, 9, Thủ Đức. Khu vực 4 từ hướng Cần Giờ vào TP qua huyện Nhà Bè, Q7. Chúng tôi bố trí 4 đội cơ động liên ngành, nhiệm vụ chính giao cho đội trưởng của một đội QLTT phụ trách và chỉ huy chung.

- Phóng viên: Nhiệm vụ của các lực lượng ra sao, thưa ông?

Các lực lượng này có nhiệm vụ tuần tra lưu động trên khu vực địa bàn được phân công để kiểm tra, ngăn chặn việc lưu thông trái phép, không qua kiểm dịch thú y đối với gà, vịt, ngỗng, chim và các sản phẩm của chúng từ các tỉnh đưa vào TP.

Riêng về kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường sông, lực lượng cơ động liên ngành số 4 cùng các đội QLTT 7B, Nhà Bè, Cần Giờ chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng khi cần thiết và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tổ chức kiểm tra.

- Nhiều ý kiến cho rằng công tác kiểm tra, phát hiện của chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn?

Chúng tôi đang đau đầu về vấn đề này. Trên thực tế, anh em cũng rất nỗ lực trong việc đi kiểm tra, kiểm soát nhưng do lực lượng của chúng ta còn quá mỏng nên không thể nào “bao sân” hết phạm vi hoạt động kinh doanh buôn bán gia cầm, đặc biệt là vào thời điểm ban đêm. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra giữa TPHCM và các tỉnh lân cận nên hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.
Kiểm soát triệt để đàn vịt

- Trước đây dịch gây chết chủ yếu trên gà, đợt này là vịt, vì sao vậy?

Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN BÌNH, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6: Hiện tượng vịt chết nhiều hơn gà là một vấn đề rất đáng ngại. Những năm trước, vịt bị nhiễm bệnh, nhưng chưa chết hàng loạt ở giai đoạn đầu mà chỉ chết vào giai đoạn cuối, khi mật độ mầm bệnh trong môi trường tăng lên.

Trong khi đó, gà rất mẫn cảm với cúm A nên chết hàng loạt ngay giai đoạn đầu. Vịt chết nhiều hiện nay chủ yếu trên đàn không được tiêm phòng. Hiện tượng vịt chết hàng loạt rất có khả năng là do độc lực của virus tăng lên. Chúng tôi đang theo dõi để xác định xem có biến đổi gen hay không.

- Báo SGGP đã cảnh báo lỗ hổng từ những vựa trứng nằm chen ở khu dân cư. TP xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông HUỲNH HỮU LỢI, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Chiều 15-1, Chi cục Thú y mời 71 cơ sở kinh doanh trứng cấp 1 và 17 chủ thương hiệu hiện đang giết mổ gia cầm hiện trên địa bàn TP họp để thông báo việc thực hiện ký kết hợp đồng với các hộ chăn nuôi ở các tỉnh trước khi thu mua sản phẩm. Chỉ những tỉnh có biện pháp quản lý chặt chẽ mới được đưa gia cầm và trứng gia cầm về TP.

Thời gian thực hiện chậm nhất là đến ngày 19-1. Các vựa trứng phải cho biết rõ mua từ đàn nào, trại nào và ngành thú y TP sẽ hỗ trợ các tỉnh bằng cách xuống những nơi hợp tác ký kết để lấy mẫu xét nghiệm, sau khi có kết quả mới được vận chuyển về TP. Việc các vựa trứng cấp 1 trong khu dân cư, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, phải được xử lý. TP sẽ sớm có ý kiến về vấn đề này để xem xét việc di dời những vựa trứng cấp 1 ra khỏi khu dân cư.

Nhóm PV

  • Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang:
    Đáng lo nhất là chưa có 1 khu cách ly kiểm dịch nào

Sở Y tế gia hạn cho các trung tâm y tế (TTYT) quận huyện trong tháng 1-2007 phải hoàn thành xong khu cách ly điều trị. Trong thời điểm hiện nay, khi phát hiện có trường hợp sốt mà trước đó tiếp xúc hoặc ăn sản phẩm gia cầm bệnh-chết, các TTYT quận huyện chỉ nên giữ cách ly bệnh nhân tại chỗ trong vòng 1-2 giờ đồng hồ để chờ bệnh viện tuyến trên đến chẩn đoán. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là ở tất cả 24 quận huyện trên địa bàn TP vẫn chưa có một khu cách ly kiểm dịch nào. Khi có một vài ca nghi ngờ hoặc nhiễm cúm A-H5N1 xảy ra, chắc chắn cả quận huyện ở địa bàn đó sẽ lâm vào hoàn cảnh lúng túng, không biết sẽ chọn một địa điểm nào (trường học, phòng văn hóa, trạm y tế cũ, nhà dân,…) để tạm thời cách ly và giám sát sức khỏe những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Nguyên nhân do UBND các quận huyện chưa thật sự quan tâm đúng mức về kế hoạch này, Sở Y tế sẽ báo cáo tình hình lên UBND TPHCM.


- Sóc Trăng – tỉnh thứ 7 có dịch cúm gia cầm

Tin cùng chuyên mục