Giá cao su thiên nhiên giảm mạnh: Nhà nông thiệt, doanh nghiệp lợi

Thời gian qua, giá cao su thiên nhiên Việt Nam tại các sàn giao dịch trên thế giới tiếp tục sụt giảm xuống mức 1.500 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất tính từ đầu năm 2014 đến nay. Điều này đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thành phẩm từ cao su, nhưng lại gây khó cho nông dân trồng cao su.
Giá cao su thiên nhiên giảm mạnh: Nhà nông thiệt, doanh nghiệp lợi

Thời gian qua, giá cao su thiên nhiên Việt Nam tại các sàn giao dịch trên thế giới tiếp tục sụt giảm xuống mức 1.500 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất tính từ đầu năm 2014 đến nay. Điều này đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thành phẩm từ cao su, nhưng lại gây khó cho nông dân trồng cao su.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su xuất khẩu sẽ được lợi khi giá cao su giảm. Ảnh: CAO THĂNG

Đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, từ đầu năm 2014 cho đến nay giá cao su thiên nhiên xuất khẩu liên tục sụt giảm. Cụ thể, tháng 1-2014, giá cao su thiên nhiên ở mức 2.072 USD/tấn, tháng 2 còn 2.054 USD/tấn. Từ tháng 3 đến tháng 9-2014, trung bình mỗi tháng, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu giảm đều xuống mức dưới 1.900 USD/tấn. Riêng từ tháng 10-2014 đến nay, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam còn dưới mức 1.500 USD/tấn. Tính trên tổng sản lượng xuất khẩu, cho đến nay, nước ta xuất khẩu cao su đạt 1,07 triệu tấn với giá trị đạt 1,80 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2014 chỉ đạt 1.695 USD/tấn, giảm 27,33% so với cùng kỳ năm 2013.

Hai thị trường lớn nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên của Việt Nam là Trung Quốc và Malaysia lần lượt 43,5% và 19,4% nhưng so với năm 2013, tổng lượng nhập khẩu thấp hơn 3,4% và 8,5%. Những thị trường khác như Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc cũng giảm từ 1% - 10%. Duy chỉ có thị trường Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka là tăng lượng nhập khẩu từ 9,5% đến hơn 400% so với năm 2013. Tuy nhiên, do sản lượng nhập khẩu tại những nước này trong năm 2013 còn thấp, chỉ khoảng từ 16.000 - 26.000 tấn/năm, nên dù sản lượng xuất khẩu sang thị trường các nước này tăng cao nhưng so với tổng lượng xuất khẩu vẫn không nhiều.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  giá xuất khẩu cao su thiên nhiên sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua mủ cao su của người nông dân. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá cao su ít nhất đã 3 lần rớt giá. Thời điểm tháng 5 và tháng 6-2014, giá mủ khô được bán với giá là 30.000 đồng/kg nhưng đến tháng 7, 8, cao su xuống còn 26.000 đồng/kg và đến thời điểm này là 24.000 đồng/kg. Giá mủ tươi chỉ còn 4.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi giá cao su các năm trước ở mức 37.000 - 45.000 đồng/kg, có lúc đỉnh điểm lên đến 60.000 đồng/kg (năm 2010). Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) khẳng định, hiện nguồn cung mủ cao su đang vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thế giới nên giá cao su sẽ không thể tăng lên trong thời gian tới, ít nhất trong năm 2015.

Tại nhiều tỉnh thành có diện tích trồng cây cao su lớn như Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai, Bình Dương… đã xuất hiện hiện tượng người nông dân chặt cây cao su. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Cây trồng, Bộ NN-PTNT thì số lượng vườn cây bị chặt bỏ đa phần là già cỗi. Tính đến hết năm 2013, cả nước đã có hơn 955.700ha cao su, trong khi quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020 là 800.000ha, tức là diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch 155.700ha. Do vậy, việc sụt giảm giá cao su thiên nhiên cũng là tạo động lực nông dân cũng như các công ty cao su chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp. Thống kê tính đến nay, đã có khoảng 4.000ha cao su được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Doanh nghiệp cần đầu tư chiều sâu

Ở chiều ngược lại, giá nguyên liệu thô xuất khẩu giảm cũng kéo theo giá nguyên liệu cao su nhập khẩu tổng hợp giảm. Điều này đã tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm. Tính chung năm 2014, khối lượng nguyên liệu cao su nhập khẩu đạt 328.000 tấn. Giá trị nhập khẩu đạt 658 triệu USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với năm 2013. Các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu cao su chủ yếu bao gồm Hàn Quốc (chiếm 21,9%), Nhật Bản (16,4%) và Campuchia (10,6%). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Lãnh đạo Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) cho biết, cao su thiên nhiên giảm cộng với giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tăng tốc xuất khẩu.

Điển hình, theo tính toán và kế hoạch đề ra của công ty, trong năm 2014, tổng doanh thu của công ty tăng 28% so với năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 7% năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng về doanh thu còn phải tùy thuộc vào năng lực của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp cần tập trung nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi công nghệ sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm để không bị vướng hàng rào kỹ thuật; thực hiện tốt chính sách bảo hành, bảo trì và chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, cần tung ra thị trường sản phẩm độc đáo có giá trị gia tăng cao, đồng thời áp dụng chính sách giá linh hoạt.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng là năm Việt Nam chính thức giảm thuế về mức bằng 0% cho hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng, cộng với việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt AEC) sẽ ít nhiều tác động lớn đến thị trường nội địa trong nước. Do vậy, bên cạnh việc tận dụng giá nguyên liệu giảm để đẩy mạnh thị phần xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cộng với chính sách linh hoạt giá sẽ giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường nội địa trước sự lấn sân của doanh nghiệp ngoại. Đặc biệt là với dòng sản phẩm chủ lực vỏ ô tô.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục