Trong đó, với biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công thương đề xuất cách tính giá theo 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Bậc được rút bỏ là bậc thứ nhất (dùng dưới 50kWh), vì thực tế hiện nay không còn nhiều hộ gia đình tiêu dùng điện ở mức này. Với cơ cấu rút bớt bậc này, thực chất là tăng giá bán và đánh vào “hầu bao” của những hộ dân tiêu dùng nhiều điện (theo cơ chế càng dùng nhiều càng mất nhiều tiền). Tuy nhiên, mặt lợi là qua đó có thể “thúc ép” những người tiêu dùng nhiều điện phải sử dụng điện tiết kiệm hơn.
Còn đối với đề xuất sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo cơ chế (tín hiệu) thị trường, có điểm mới là giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần thay vì… lâu lâu mới điều chỉnh. Thực tế, giá điện luôn có xu hướng điều chỉnh tăng, chỉ được giảm khoảng 5 đợt trong 2 năm 2020-2021 khi xảy ra đại dịch Covid-19, mà bản chất là giảm để hỗ trợ theo kiểu tình huống chứ không phải điều tiết theo tín hiệu của thị trường. Do đó, cơ chế điều chỉnh này đáp ứng điều mà nhiều người dân và doanh nghiệp đang mong đợi, qua đó thực sự hình thành một thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng. Có nghĩa là giá điện buộc phải giảm tương ứng, nếu thông số đầu vào (các khâu phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) giảm. Còn nếu thông số đầu vào tăng thì “nhà đèn” được tăng giá điện (và cũng tăng kịp thời hơn với sự biến động của giá cả, chi phí).
Giá điện hiện nay đang được điều hành theo Quyết định số 24 năm 2017, mặc dù trên lý thuyết là 6 tháng một lần, nhưng thực tế thì hơn 4 năm (từ tháng 3-2019) đến ngày 4-5 vừa qua mới được điều chỉnh (tăng 3%). Nghịch lý ở chỗ, từ năm 2013 đến nay đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (đầu vào) nhưng tần suất điều chỉnh giá điện bán lẻ (đầu ra) lại ít hơn và không còn theo tín hiệu thị trường. Ví dụ, năm 2022, mặc dù giá nhiên liệu tăng rất cao nhưng giá điện bình quân vẫn chưa được điều chỉnh, cho đến tận tháng 4-2023. Do điện là hàng hóa nhạy cảm, có thể ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp nên phải cân nhắc, cần giữ ổn định để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Nhưng cơ chế điều hành này đã gây khó khăn cho không chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà cả các nhà đầu tư nguồn điện cũng bị thua thiệt.
Điều đó cho thấy, vận hành giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường như giá xăng dầu là cần thiết để các bên (nhà đầu tư, EVN và doanh nghiệp tiêu dùng, người dân) cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, để tránh lặp lại tình trạng co kéo chu kỳ điều hành từ 3 tháng thành 3 năm hoặc 4 năm như vừa qua, cần luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện. Trước hết phải sửa đổi Luật Điện lực, sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện; hướng dẫn để sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào hoạt động từ năm 2026, như kế hoạch của Chính phủ.
Để hạn chế rủi ro từ các quyết định điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường khi chi phí đầu vào tăng cao, cần thiết thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn giảm các khoản thuế, phí; áp dụng công cụ kỹ thuật để các nhà cung cấp thông số đầu vào giảm giá than, khí nếu giá nhiên liệu tăng quá cao. Bằng cơ chế điều chỉnh giá điện kịp thời, phản ánh sát thực chi phí đầu vào, biến động của thị trường phát điện cạnh tranh, hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc thị trường, chắc chắn sẽ đảm bảo cân bằng tài chính cho ngành điện và người tiêu dùng cũng được lợi.