Gia hạn hỗ trợ thuốc Glivec và Tasigna cho bệnh nhân ung thư

Báo SGGP số ra ngày 6-1 có bài “Bệnh nhân lao đao vì hết thuốc ung thư viện trợ” phản ánh liều dùng thuốc Glivec của nhiều bệnh nhân từ 1-1-2020 đến nay đã được chỉ định giảm gần 50% ngày uống thuốc trong tháng. 

Các bệnh nhân có nhu cầu phải đi mua thuốc bên ngoài thị trường với giá cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc này là từ ngày 31-12-2019, nguồn thuốc tài trợ (theo dự án do 3 bên: nhà sản xuất thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân) đã hết hiệu lực.

Trong khi thời gian qua, thuốc Glivec chủ yếu thông qua các chương trình viện trợ tại 7 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. 

Trước thực tế này, mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna, là loại thuốc nhắm đích điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn. Theo đó, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân trong 2 tháng kế tiếp là tháng 1 và 2-2020.

Đây là thời gian chờ sửa Thông tư 30/2018/TT-BYT về “điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham BHYT”, theo hướng nhà sản xuất sẽ giảm giá thuốc xuống còn 65% so với hiện nay và phía BHYT sẽ nâng tỷ lệ chi trả lên 80%-100% tiền thuốc, phần còn lại bệnh nhân phải đồng chi trả.

Hiện nay, cả nước có gần 3.000 bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc Glivec và Tasigna, với chi phí phía BHYT chi trả từ 225-413 triệu đồng/bệnh nhân/năm và gần 1.500 bệnh nhân được hãng thuốc cấp miễn phí. Sau khi liên ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn nêu trên, bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và một số bệnh viện đã nhận được thuốc Glivec.

Theo các bác sĩ, trong điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn, thuốc Glivec hiện không có thuốc thay thế. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế.

Tin cùng chuyên mục