(SGGP).- Trong các ngày từ 14 đến 16-7, tỉnh Gia Lai tổ chức kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X. Tại kỳ họp, rất nhiều vấn đề ở lĩnh vực tài nguyên - môi trường được đưa ra “mổ xẻ”, như: Việc xử lý những hạn chế, tồn đọng tại một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều hạng mục tại các khu tái định cư thủy điện kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu.
Cử tri các huyện Kông Chro, Ia Pa, thị xã An Khê, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) bức xúc trước việc từ khi đi vào hoạt động đến nay, thủy điện An Khê - Ka Nak (lòng hồ tại huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã khiến hàng ngàn hộ dân sống ven sông Ba hứng chịu nhiều hệ lụy. Nghiêm trọng nhất là vào thời điểm tháng 11-2013, cơn lũ chưa từng có nhấn chìm thị xã An Khê và các vùng dân cư phía hạ du công trình, gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng, nguyên nhân được xác định là do thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân dẫn đến lũ lụt vẫn chưa được đơn vị có chức năng kết luận, việc bồi thường thiệt hại cho dân cũng chưa hoàn tất (Báo SGGP vừa có bài phản ánh). Đáng chú ý, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, có nhiều cán bộ, kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã phát hiện 491 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 584m3 gỗ, nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng.
ĐỨC TRUNG
Dọn bùn ở bãi biển Nam Lĩnh
(SGGP).- Ông Võ Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa cho biết, vụ việc nhà thầu thi công nạo vét bùn bẩn ở âu thuyền Roòn đổ thẳng hàng trăm ngàn khối bùn ra bãi biển Nam Lãnh, Xuân Phú đã được dọn sạch sau khi Báo SGGP phản ánh ngày 16-6.
Ông Xuân cho biết, số bùn đất chất như núi đó đã được đưa đi khỏi bãi biển gần Vũng Chùa - Đảo Yến, trả lại mặt bằng cho người dân và du khách đến tham quan. Tuy nhiên, người dân cho biết, việc trả lại mặt bằng chưa được mỹ quan như ban đầu, vì trước đây bãi biển là cát, còn phần nền sau khi trả lại mặt bằng là lớp đất trộn sỏi cuội rất thô cứng.
MINH PHONG
Hà Tĩnh: Tuyển 500 lao động làm việc tại Đài Loan
(SGGP).- Tại thị trấn Kỳ Anh, UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Cung ứng nhân lực - Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC tổ chức đợt sơ tuyển lao động đi xuất khẩu làm việc tại Công ty Điện tử bản mạch Nam Á, thuộc Tập đoàn Formosa tại Đài Loan.
Trong đợt này sẽ tuyển 500 lao động phổ thông không thông qua công ty môi giới Đài Loan nên chi phí thấp. Công ty Nam Á sẽ hỗ trợ tiền khám sức khỏe định kỳ, làm thẻ cư trú tại Đài Loan. Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại… trong quá trình lao động làm các thủ tục tuyển dụng tại Hà Nội.
Những lao động trúng tuyển sẽ được đào tạo 2 tháng và làm các thủ tục xuất cảnh dự kiến tháng 9-2014. Lao động Việt Nam làm việc tại Công ty Điện tử bản mạch Nam Á sẽ được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ cao với tổng thu nhập bình quân hàng tháng từ 15 - 25 triệu đồng. Thời hạn hợp đồng 36 tháng và có thể gia hạn lần 2 nếu lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ.
DƯƠNG QUANG