Gia Lai: Doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư - Không cấp sổ đỏ

UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng không làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các doanh nghiệp tham gia trồng cây cao su trên quỹ đất rừng nghèo chuyển đổi, khi chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư, chưa đảm bảo chăm lo tốt đời sống người dân trên địa bàn.

UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng không làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các doanh nghiệp tham gia trồng cây cao su trên quỹ đất rừng nghèo chuyển đổi, khi chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư, chưa đảm bảo chăm lo tốt đời sống người dân trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh, từ năm 2008 đến nay có 50 dự án đã khai hoang, trồng mới được hơn 28.000ha cao su trên đất lâm nghiệp, nâng tổng diện tích cây cao su hiện có lên đến hơn 100.000ha, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, hiện nay còn khá nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án trồng cây cao su trên địa bàn đang gặp khó nên chưa thực hiện theo đúng cam kết đầu tư, đời sống của người dân được hưởng lợi trong vùng dự án còn nhiều khó khăn.

Việc tiếp nhận người dân tộc tại chỗ vào làm công nhân cao su trong các doanh nghiệp cũng còn rất thấp so với kế hoạch, chưa đạt mục tiêu đề ra. Một mặt do người dân chưa có thói quen làm theo cách sản xuất công nghiệp và hơn nữa địa bàn ở xa buôn làng, ngược lại các đơn vị còn “ngại” tiếp nhận bởi năng suất lao động thấp. Đến nay, các doanh nghiệp chỉ mới tuyển dụng được 1.900 lao động dài hạn, trong đó có gần 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số.

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các vùng dự án, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, chủ yếu là tập trung vào việc khai hoang và trồng mới cao su. Các doanh nghiệp cũng mới chỉ đầu tư được 150/180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn quỹ phúc lợi hơn 20 tỷ đồng phục vụ an sinh xã hội ở từng địa phương. Một số ít doanh nghiệp vẫn còn đầu tư mang tính tạm bợ, nhỏ giọt, chủ yếu làm được vài ba lớp học, nhà trẻ, mẫu giáo... rồi tạm dừng; so với mức cam kết chưa đạt mục tiêu đề ra. Thậm chí một số doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hỗ trợ địa phương trong vùng dự án, như Công ty TNHH Thương mại 289, Công ty cổ phần Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Trang Đức...

Chủ trương trên được coi là một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy doanh nghiệp có trách nhiệm cùng địa phương chăm lo đời sống cộng đồng dân cư.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục