Gia Lai: Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ từ 50% đến 80%.

(SGGP).- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ từ 50% đến 80%.

Riêng các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tuyển dụng hơn 15.000 lao động dân tộc thiểu số. Ông Phùng Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “UBND tỉnh đã quán triệt với các doanh nghiệp, khi lập dự án phải ghi rõ là ưu tiên nhận lao động người dân tộc thiểu số, và tỉnh sẽ ưu tiên phê duyệt dự án. Vì vậy, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ cao, có mức thu nhập khá và ổn định; chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất cao su và cà phê”.

Q.HỌC


144 khu vực cấm khai thác khoáng sản

Theo quy hoạch hoạt động khai khác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Đồng Nai đã khoanh định 144 khu vực cấm với diện tích 1.854,13ha gồm: khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bãi bồi non có rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên; khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước, khu bảo tồn địa chất; đất dành riêng cho mục đích quốc phòng an ninh; đất thuộc phạm vi bảo vệ an toàn các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, đê điều, thông tin; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch.

Đ.N.


Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các xã vùng sâu

(SGGP).- Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế Canada (CECI) đang triển khai Dự án “Xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó thiên tai cho cộng đồng vùng cao Việt Nam” ở tỉnh Kon Tum. Với nguồn vốn tài trợ 3,2 tỷ đồng từ một số tổ chức phi chính phủ, CECI đang tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho hơn 100 cán bộ xã, thôn, tập huấn cho 40 đội ứng cứu cộng đồng, lắp đặt 3 tháp báo lũ, xây dựng 12 biển cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và 6 biển cảnh báo theo mùa; hỗ trợ dụng cụ ứng cứu cho 40 thôn làng tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Rẫy.

Q.HỌC


Di cư làm gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm

(SGGP).- Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về nghiên cứu sức khỏe của người di cư vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 30% dân số đô thị là người nhập cư từ các địa phương khác nhau. Quá trình chuyển dịch, di dân giữa các địa phương đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Đây là nguyên nhân góp phần làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người như: sốt rét, tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm. Có tới 90% lao động nhập cư không có bảo hiểm xã hội và phải chịu nhiều thiệt thòi trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.

NG. KHÁNH

Tin cùng chuyên mục