Gia Lai – vùng đất giàu tiềm năng

Vùng đất giàu tiềm năng
Gia Lai – vùng đất giàu tiềm năng

Nằm ở vùng Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là mảnh đất chứa đựng nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú. Bằng những chính sách thu hút đầu tư “cởi mở”, Gia Lai đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thác Phú Cường - điểm du lịch sinh thái ở Gia Lai.

Thác Phú Cường - điểm du lịch sinh thái ở Gia Lai.

Vùng đất giàu tiềm năng

Gia Lai là tỉnh miền núi, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Trong định hướng phát triển của mình, Gia Lai chú trọng đến 4 mục tiêu thu hút đầu tư: chế biến nông sản, khoáng sản, thủy điện và du lịch.

Lợi thế lớn nhất của Gia Lai là hai cao nguyên đất đỏ bazan: cao nguyên Pleiku và cao nguyên Hà Nừng – chiếm gần 1/3 diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 30% diện tích đất có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Gần 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp là một thế mạnh của Gia Lai. Tại đây đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất các mặt hàng nông sản có giá trị như cao su, mía đường, bông, thuốc lá, cà phê, hồ tiêu…

Gia Lai có nhiều sông suối nên thủy điện là thế mạnh của địa phương. Hệ thống sông Sê San và sông Ba chảy dài xuống vùng duyên hải miền Trung và lưu vực sông Mê Kông có trữ lượng thủy điện lên tới 10,5 – 11 tỷ kWh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy điện lớn đã và sắp đi vào hoạt động như nhà máy thủy điện Yaly, nhà máy thủy điện Sê San 3, nhà máy thủy điện Sê San 3A, thủy điện Sê San 4, thủy điện An Khê – Ka Nak.

Trong lòng đất cao nguyên xanh bạt ngàn này cũng chứa đựng nhiều tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú như quặng bô xít ở Kon Hà Nừng và Đức Cơ; quặng vàng ở Kông Chro, Ia Mơ, Krông Pa, Ayun Pa; các khoáng sản kim loại khác như các mỏ sắt ở An Phú – thành phố Pleiku, kẽm ở An Trung – Kông Chro, mỏ đá granít, đá vôi, cát vôi xây dựng…, rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng.

Hệ thống núi rừng trùng điệp với hệ sinh thái đa dạng, hệ thống các thác ghềnh hoang sơ, các hồ tự nhiên và nhân tạo, những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản chất Tây Nguyên đang là điểm đến của du khách khám phá khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa độc đáo. Đây là một tiềm năng du lịch mà các nhà đầu tư đang hướng đến.

Định hướng phát triển

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Gia Lai rất quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của mình. Từ năm 2007, tỉnh đã có Quyết định 84 quy định cụ thể chính sách ưu đãi nhà đầu tư. Theo đó, quy định rõ ngành nghề và lĩnh vực, địa bàn mà nhà đầu tư được hưởng ưu đãi như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, miễn giảm thuế trong các khu công nghiệp, ưu đãi tiền thuê mặt bằng, giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng như điện, nước, mạng lưới giao thông, bưu chính viễn thông, dịch vụ thương mại – du lịch… để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.

Theo ông Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai, việc phát triển nông – lâm nghiệp, nông thôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông sản hàng hóa xuất khẩu. Tỉnh cũng tập trung sức phát triển công nghiệp với các ngành trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện và vật liệu xây dựng. Cùng đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch, khai thác tốt tiềm năng địa phương.

Cải cách thủ tục hành chính cũng được coi là một trong những ưu đãi của tỉnh Gia Lai đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế một cửa, hiện nay, thủ tục đăng ký đầu tư đã được rút ngắn từ 8-10 ngày xuống còn 5 ngày. Trong khoảng 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã thu hút khoảng 150 dự án với số vốn khoảng 35 ngàn tỷ đồng.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục