Giá tăng, dân vẫn… bỏ tràm!

Các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… có rừng tràm rộng hàng trăm ngàn héc ta. Vài năm trước giá tràm rẻ mạt, càng trồng càng lỗ nên nhiều hộ ùn ùn phá bỏ rừng tràm chuyển sang trồng cây khác. Như quy luật tất yếu, nguồn cung giảm - cầu tăng lên và tràm lên giá trở lại. Dân trồng tràm từ chỗ mang nợ nay bắt đầu thu bạc tỷ từ tràm… Dù vậy, nhiều hộ vẫn thờ ơ, bỏ tràm.
Giá tăng, dân vẫn… bỏ tràm!

Các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… có rừng tràm rộng hàng trăm ngàn héc ta. Vài năm trước giá tràm rẻ mạt, càng trồng càng lỗ nên nhiều hộ ùn ùn phá bỏ rừng tràm chuyển sang trồng cây khác. Như quy luật tất yếu, nguồn cung giảm - cầu tăng lên và tràm lên giá trở lại. Dân trồng tràm từ chỗ mang nợ nay bắt đầu thu bạc tỷ từ tràm… Dù vậy, nhiều hộ vẫn thờ ơ, bỏ tràm.

Trở lại thời hoàng kim

Những ngày này, giá tràm ở các tỉnh ĐBSCL dao động ở mức cao. Ông Nguyễn Văn Tư, nông dân xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước (Tiền Giang) gọi điện rủ chúng tôi vào thăm rừng tràm. Từ trung tâm huyện Tân Phước phải mất gần cả giờ đồng hồ mới vào đến Tân Hòa Đông, một xã nằm ở vùng sâu của vùng Đồng Tháp Mười. Đưa chúng tôi đi thăm rừng tràm bạt ngàn rộng hơn 16ha, ông Tư cho biết rừng tràm này được gần 12 năm tuổi, mấy ngày qua nhiều thương lái đến hỏi mua với giá khoảng 80 triệu đồng/ha, nhưng ông chưa bán. Ông Tư ước tính với giá hiện tại, rừng tràm của ông mang về gần 1,3 tỷ đồng, số tiền rất lớn đối với nông dân vùng sâu Đồng Tháp Mười.

Để có được tiền tỷ từ cây tràm, ông Tư trải qua thời gian dài vất vả. Rời phố thị Mỹ Tho từ năm 1995, ông và gia đình vào vùng phèn chua Tân Hòa Đông lập nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư hết vào rừng tràm. Những năm 2005 - 2006, tràm đến tuổi thu hoạch nhưng giá rớt thê thảm, từ 70 - 80 triệu đồng/ha xuống còn 20 - 30 triệu đồng/ha. Dù bán lỗ, nhưng vẫn bị thương lái chê “tràm xấu, tràm nhỏ…” để tiếp tục đòi giảm giá. Giận trong bụng, ông Tư quyết giữ rừng tràm, không thèm bán cây nào. Để đảm bảo cái ăn hàng ngày, ông tìm đất trồng 10ha khóm. Cái lợi của khóm là thời gian chăm sóc ngắn hơn tràm, bình quân khi trồng khoảng 18 tháng là cho thu hoạch. Nếu trồng diện tích lớn cứ 2 tháng là thu hoạch 1 đợt, nhờ đó mà có tiền chi tiêu cả năm. Ổn định cuộc sống từ cây khóm, ông Tư tiếp tục nuôi rừng tràm. Đến năm 2011, giá tràm tăng lên 40 triệu đồng/ha, rồi 50 triệu đồng/ha và nay tràm trở lại thời hoàng kim với giá 60 - 80 triệu đồng/ha. Với giá này sau khi trừ chi phí, nông dân trồng tràm lời được 40 triệu đồng/ha trở lên, mức lợi nhuận hấp dẫn.

Thu hoạch tràm ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Thu hoạch tràm ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, tràm được giá và trở lại thời hoàng kim là dấu hiệu đáng mừng. Hiện tại nhu cầu cần tràm để đóng cừ, đóng bờ kè… tăng cao; trong khi sản lượng tràm giảm mạnh, từ đó đẩy giá tràm lên.

Khôi phục rừng tràm, lắm gian nan

Điều nghịch lý là cây tràm đang hồi sinh nhưng nhiều nông dân vẫn còn phân vân chưa chịu trồng tràm. Ông Trần Văn Hùng, ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), trăn trở: “Trước đây vùng này là xứ chuyên trồng tràm bán cừ và tràm bán giống với gần 6.000ha, nay còn không tới 2.000ha. Hiện tại dù tràm được giá nhưng không biết giữ được bao lâu. Song, dù giữ mức 60 - 80 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ trồng tràm cũng không bằng các loại cây khác như khóm lời 50 triệu đồng/ha/năm; lúa 50 triệu đồng/ha/năm; khoai mỡ 60 triệu đồng/ha/năm… Trong khi cây tràm mất 7-8 năm mới thu hoạch”. Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhìn nhận, tỉnh rất muốn phát triển rừng tràm từ 10.000ha lên 15.000 - 20.000ha, góp phần ổn định môi trường sinh thái. Thế nhưng hiệu quả của cây tràm còn thua xa các loại cây khác nên rất khó vận động người dân mở rộng diện tích. Thậm chí trước đây tỉnh có chính sách hỗ trợ trồng mới 1,5 triệu đồng/ha tràm, nhưng tình hình không cải thiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, thống kê mới nhất của tỉnh hiện còn khoảng 30.000ha tràm, giảm rất nhiều so với những năm trước. Kế hoạch đến năm 2015 giữ hơn 75.000ha rừng, trong đó tràm là 30.000ha. Do lợi nhuận từ cây tràm còn thấp nên hiện tại sau khi thu hoạch xong, không ai chịu trồng tràm, mà họ chuyển sang trồng lúa và các loại cây con khác. Ngành nông nghiệp nhiều lần khuyến cáo nhưng không hiệu quả.

Tại Long An, từ 69.000ha tràm, nay người dân phá bỏ còn khoảng 34.000ha. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cố gắng ổn định 38.000ha tràm là đạt yêu cầu. Để làm được điều này, không thể dựa hẳn vào việc bán tràm để đóng cừ, đóng bờ kè… như hiện nay, mà tính toán thêm giải pháp như: khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy ván ép, gắn với việc phát triển vùng chuyên canh tràm nguyên liệu có đầu tư và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm phụ như sản xuất nguyên liệu giấy, dầu tràm, than hoạt tính, đồ gỗ gia dụng… Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tận dụng hết thế mạnh của cây tràm để nâng giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì người dân mới yên tâm trồng tràm.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục