Gia tăng vị thế nông sản Việt

Để mảng sáng xuất nhập khẩu nông sản xóa đi các điểm đen, chữa trị chứng “mắc nghẹn” của các cửa khẩu, thì cần những liều thuốc trước mắt, các biện pháp ngắn hạn, nhưng quan trọng hơn vẫn là hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài; cần thiết phải có sự tiếp sức đa ngành và phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu...

Năm 2021 sắp qua, mở ra năm 2022 với nhiều thách thức và kỳ vọng mới. Tác động to lớn, chưa từng có tiền lệ của “cơn bão” mang tên Covid-19 làm cho toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng. Nhưng, xuất nhập khẩu của nước ta vẫn là điểm sáng tự hào, xác lập kỷ lục mới với tổng giá trị hơn 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so năm 2020.

Đây cũng là lần đầu tiên cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục khoảng 2,1 tỷ USD. Dự kiến có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó các nhóm hàng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tiếp tục có những đóng góp quan trọng.

Nông nghiệp nước ta đang có bước chuyển quan trọng từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ chỉ tiêu sản lượng tính trên đầu tấn lúa, trái cây, thủy sản, con heo, con gà… sang tăng chất lượng, giá trị, lợi nhuận; từ thị trường dễ tính, hàng xá đến các thị trường khó tính, hàng chất lượng cao.

Song, bước chuyển đó còn chập chững, thiếu kết nối cung - cầu bền vững, thiếu độ kết dính giữa các ngành hàng, chuỗi cung ứng, thị trường nông sản, hệ thống logistics; giữa các phân ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và các lĩnh vực chế biến sâu.
Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc như một điệp khúc xảy ra hàng năm, chính là chỉ dấu một hiệu ứng dây chuyền tất yếu của bất cập trong sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, cần được giải quyết căn cơ hơn là chạy theo “xử lý tình huống”.
Nhìn tổng thể từ đầu vào đến đầu ra, thì nông nghiệp nước ta vẫn còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Phải thừa nhận quốc gia này vẫn là một thị trường lớn, một bạn hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp chưa thể từ bỏ. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu vài năm gần đây đang có chuyển dịch tích cực, nhưng tỷ trọng vẫn chiếm áp đảo trong cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu của nước ta.
Để ít phụ thuộc hơn vào một thị trường nhiều rủi ro, không có nghĩa là các doanh nghiệp nên từ bỏ một thị trường lớn, lâu năm, nhiều tiềm năng… mà cần nâng chất và nâng cao vị thế của một đối tác.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phụ thuộc thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang đứng ngồi không yên, thì cũng có đông đảo doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Á… vẫn trên đà tăng tốc. Hoa Kỳ đang vươn lên trở thành bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta; còn EU, Đông Á… cũng trở thành bạn hàng quan trọng của các doanh nghiệp chuyển đổi tốt và tận dụng triệt để cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, mở ra 3 cơ hội lớn cho nông sản Việt được đánh giá có nhiều ưu thế. Cần tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế quan và quy định thống nhất các quy tắc xuất xứ mà nông sản Việt vốn đã quen thuộc do trước đây đã phải “chiều theo” nhiều quy định khác nhau của ASEAN + 1, ASEAN + Trung Quốc (ACFTA), ASEAN + Nhật Bản (AJFTA) hay ATIGA trong hoạt động thương mại nội khối.
Đồng thời, RCEP cũng mở ra không gian thương mại và thị trường rộng lớn hơn với việc hài hòa các biện pháp phi thuế quan, thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại điện tử. Việt Nam là ngôi sao đang lên trên bầu trời thương mại điện tử khi tăng trưởng ngành này luôn đạt “2 con số” các năm qua và đứng đầu khối ASEAN trong năm qua.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Để khai thác tối đa dư địa gia tăng giá trị nông sản Việt, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của tổ hợp đủ mạnh của các ngành hỗ trợ nhằm chủ động ứng phó các vấn đề phát sinh. Cần đẩy nhanh hơn tốc độ số hóa các ngành kinh tế và ngành thương mại.
Không thể khuyến cáo doanh nghiệp “điều tiết” nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùn ứ, trong khi họ thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản…
Để mảng sáng xuất nhập khẩu nông sản xóa đi các điểm đen, chữa trị chứng “mắc nghẹn” của các cửa khẩu, thì cần những liều thuốc trước mắt, các biện pháp ngắn hạn, nhưng quan trọng hơn vẫn là hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài; cần thiết phải có sự tiếp sức đa ngành và phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu...

Tin cùng chuyên mục