Ghi nhận mới nhất từ các nhà thuốc chiều ngày 16-6 cho thấy lại có thêm trên 20 mặt hàng thuốc nhỏ mắt của Công ty Alcon “góp mặt” trong danh sách gần 50 mặt hàng thuốc đồng loạt tăng trong những ngày gần đây.
Thuốc nội, thuốc ngoại đua nhau tăng giá
Nối tiếp những đợt tăng giá dược phẩm từ đầu năm đến nay, ngay từ đầu tháng 6-2009, nhiều mặt hàng thuốc ngoại, thuốc nội đã tiếp tục đua nhau tăng giá. Khởi đầu là đợt tăng giá của hàng chục mặt hàng dược phẩm nhập khẩu do Công ty Zuellig Pharma phân phối. Tiếp theo đó là 9 mặt hàng của Công ty Solvay Pharma tăng giá từ 8% - 9% bao gồm: Hidrasec Enfant 30mg, Brexin 20mg, Fatig 10ml, Herbesser, Adona Disgren...
Công ty Abbott Lab (Singapore) cũng có 8 mặt hàng tăng giá khoảng 10% gồm: Klacid MR; Klacid 60ml; Klacid 500mg; Sevoran; Forane 250ml; Forane 100 ml; Dermal E; Dermal Day… Công ty Fournier Group Viet Nam cũng tăng giá một số mặt hàng thuốc kháng sinh và tim mạch như: Klacid MR 60ml - 500ml (10%); Brexin; Fatig; Herbesser 60 - 30 (8%); Disgren (9%)…
Thông tin ghi nhận mới nhất chiều ngày 16-6, hơn 20 mặt hàng thuốc nhỏ mắt của Công ty Alcon đã được áp dụng giá tăng với tỷ lệ 8%. Riêng mặt hàng Salonpas của Công ty Hisamishu, theo các nhà thuốc, chỉ trong vòng 3 tháng đã tăng giá 2 lần (tháng 4 tăng từ 104.000 đồng/hộp lên 160.000 đồng/hộp; đầu tháng 6 tiếp tục tăng từ 160.000 đồng/hộp lên 172.000 đồng/hộp).
Không chỉ thuốc ngoại tăng giá với lý do ngoại tệ tăng, các công ty trong nước cũng vin vào cớ này để cho tăng giá nhiều mặt hàng. Được biết, ngay cuối tuần rồi, trình dược viên của các Công ty BV Pharma, Công ty CP Dược phẩm 2-9 cũng đã thông báo đến các nhà thuốc việc tăng giá một số mặt hàng như: thuốc giảm cân, bổ khí thông huyết (BV Pharma – tăng 5%); vitamin A, vitamin B6; Cloramphenicol 250mg, Promethazin, Salbumol... (Công ty CP Dược phẩm 2-9 cũng tăng lên từ 10% - 25%).
Theo Sở Y tế TPHCM, các mặt hàng của Công ty CP Dược phẩm 2-9 đã được xét cho tăng đợt tháng 2,3,4 nhưng bây giờ mới tăng. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, sở cũng nhận được 5 - 6 hồ sơ xin tăng giá, tuy nhiên chỉ có 1 mặt hàng của BV Pharma được tăng với tỷ lệ tăng 13% và 4 mặt hàng của Pharmedic tăng 20% - 26%. Đa phần các công ty đều nêu lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng do tỷ giá ngoại tệ tăng. Tuy nhiên nếu chỉ là lý do này là Sở Y tế TP sẽ bác ngay hồ sơ vì nguyên liệu chỉ là một phần trong kết cấu giá thành sản phẩm.
Người bệnh lãnh đủ
Theo chủ một số nhà thuốc, ngoài những mặt hàng đã được cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh tăng giá, nhiều mặt hàng khác cũng âm thầm tăng giá theo những chiêu thức riêng của công ty và của trình dược viên. Chiêu thức tăng giá phổ biến nhất với những mặt hàng chưa được phép điều chỉnh giá là cắt các khoản khuyến mãi kèm theo (chủ yếu là sản phẩm cùng loại cộng thêm như mua 10 hộp được tặng thêm một hộp hay tặng các sản phẩm khác loại).
Không chỉ vậy, theo các chủ cửa hàng dược phẩm, gần đây, thị trường còn xuất hiện thêm một chiêu thức tăng giá mới bằng “cái bắt tay” giữa trình dược viên và chủ quầy ở các chợ dược phẩm. Điển hình là sản phẩm NeoC… do Công ty T. phân phối. Giá chính hãng do các trình dược viên chào với các cửa hàng dược phẩm là 52.000 đồng/hộp, tuy nhiên, đa phần các trình dược viên chỉ đến chào hàng ở các nhà thuốc lẻ lấy lệ rồi tập trung rải ở các chợ dược phẩm và giá ở đây đã được đội lên 60.000 đồng/hộp khi đưa về các nhà thuốc lẻ.
Một chủ nhà thuốc trên địa bàn quận Tân Bình bức xúc: Đây là một chiêu thức tăng giá ma mãnh. Trình dược viên tìm đến chào hàng nhà thuốc lẻ, theo cách thức làm việc thông thường, chủ nhà thuốc sẽ xem hàng, chịu giá và đặt hàng sau 1 ngày (để chuẩn bị tiền). Cam kết là thế nhưng chỉ 15 - 30 phút sau, trình dược viên đem thuốc lại, nếu vì lý do, chủ cửa hàng chưa chuẩn bị kịp tiền để lấy, số hàng này sẽ được đưa ngay ra các chợ dược phẩm và giá được đẩy lên một cách hợp lệ. Chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ.
Việc giá thuốc tăng liên tục không chỉ còn là nỗi lo ngại của người tiêu dùng mà chính các chủ nhà thuốc cũng còn phải ái ngại. Một dược sĩ phụ trách nhà thuốc GPP tại quận Tân Bình cho biết, thuốc ngoại tăng giá đợt này toàn là những loại thuốc đắt tiền, và nhiều loại là thuốc kháng sinh, kháng viêm là mặt hàng mà đa phần người bệnh đều cần dùng. Mỗi loại thuốc tăng vài ba ngàn cũng khiến chi phí điều trị mỗi ngày của người bệnh tăng lên nhiều, nhất là bệnh nhân nghèo. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý ngành dược cần xem lại.
KIM LIÊN