Trước tình hình giá thuốc ào ào tăng trong những tuần qua, dư luận hết sức bức xúc trước sự yếu kém trong công tác quản lý hiện nay.
- Té nước theo mưa
| |
Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều doanh nghiệp dược cùng tâm trạng… ngồi trên đống lửa: không tăng giá thuốc không được, mà tăng thì phải xin phép rất khó khăn. Thành ra, không ít doanh nghiệp “cầm đèn chạy trước ô tô” bằng cách tự động tăng giá.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Y dược phẩm Vimedimex, cho biết công ty đã phân phối nhiều mặt hàng của hãng Novartis và trước ngày 1-11-2010 vẫn áp dụng giá bán buôn theo tỷ giá 17.460 đồng/USD. Đó là tỷ giá được kê khai từ tháng 10-2008. “Từ cuối năm 2008 đến nay, chúng tôi nhiều lần xin điều chỉnh giá thuốc do yếu tố biến động tỷ giá nhưng vẫn chưa được Cục Quản lý dược xem xét”, ông Hùng nói.
Trong tháng 9 và 10 vừa qua, Công ty Vimedimex liên tục có công văn xin kê khai tăng giá thuốc và được Phòng giá Cục Quản lý dược đồng ý “bằng miệng” cho tăng 10 mặt hàng với thặng số bán buôn tăng trung bình 16,7%... Lấy cớ giá ngoại tệ biến động, không ít doanh nghiệp dược “té nước theo mưa” để tăng giá thuốc, trong khi có công ty nhập thuốc về từ đầu năm 2010 (khi ngoại tệ chưa biến động tăng) hoặc nhập khẩu nguyên liệu dự trữ từ 6 tháng đến 1 năm trước đó. Phân tích tình hình tăng giá thuốc, nhiều lãnh đạo công ty dược cứ “đè” USD, EUR ra mà đổ tội.
Không chỉ các hãng dược mà ngay các nhà thuốc bán lẻ cũng ăn theo giá ngoại tệ. Hàng loạt nhà thuốc trên đường Thuận Kiều, quận 5 đều “hét” giá các loại thuốc nhập khẩu tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng mặc dù chưa được phép của các đơn vị cung cấp. Tương tự, nhiều quầy thuốc tại chợ sỉ dược phẩm quận 10 mới nghe thông báo tăng giá đã tăng tức thì. Ở góc độ khác, một dược sĩ làm việc tại một bệnh viện công của TPHCM cho biết giá thuốc tăng còn do nguyên nhân chiết khấu, hoa hồng cho bác sĩ kê toa và người bán hàng quá cao.
- Đừng “ôm” hết
Sở Y tế TPHCM cho biết, qua rà soát cho thấy thuốc tăng giá vẫn chủ yếu là thuốc nhập khẩu vì chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá ngoại tệ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các loại thuốc này thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý dược. “Hiện nay Cục Quản lý dược cũng đang quá tải hồ sơ xin kê khai tăng giá thuốc”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết.
Trên thực tế, biến động ngoại tệ như hiện nay mà không tăng giá sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Công ty dược nào không tăng giá vào thời điểm này là nhờ có kế hoạch trước. Hoặc những mặt hàng phân phối chủ yếu là hàng thuốc độc quyền. Còn những doanh nghiệp nhỏ buôn bán theo kiểu “mì ăn liền” thì không tăng giá sẽ không chịu nổi. Một giám đốc công ty dược ví dụ: làm ra sản phẩm bán 55 đồng, nhưng phải bán 53 đồng để cạnh tranh. Như vậy chứng tỏ dự trữ mỏng, mà mọi nguyên liệu đều nhập khẩu thì ngoại tệ tăng phải tăng giá bán thuốc ngay.
Ông Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nói trong một cuộc họp gần đây rằng giá là một chính sách. Quản lý giá như thế nào là một nghệ thuật, đặc biệt là giá thuốc, phần lớn đều chú trọng quản lý thuốc thiết yếu. Đó là thuốc mà không có thì người bệnh không được chữa khỏi bệnh. Đó là chính sách của nhà nước. Thuốc dự phòng như vaccine, sinh phẩm, nhà nước phải quản lý, thậm chí hỗ trợ giá để cho người dân được nhờ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết: “Các nước như Úc chỉ quản lý giá 240 sản phẩm thuốc thiết yếu, Mỹ là 110 sản phẩm. Nếu thị trường bán thuốc 30 đồng thì nhà nước chỉ cho bán 10 đồng. Còn hiện tại nước ta quản lý tới 22.000 sản phẩm. Ôm hết làm gì”. Ông Hùng đề nghị xem lại danh mục thuốc quản lý cho hợp lý để bình ổn, hỗ trợ giá. “Hàng năm Bộ Y tế vẫn có quỹ dự phòng, quỹ bình ổn giá, có dự trữ quốc gia. Vậy tại thời điểm này dự trữ quốc gia để đâu mà người dân mua thuốc giá cao. Trong quản lý giá, nước nào cũng phải có bàn tay điều chỉnh của nhà nước”, ông Hùng nói. Thực tế cho thấy hiện Cục Quản lý dược quản lý giá tất cả các loại thuốc, trong khi rất nhiều loại thuốc không cần quản lý giá mà nên có cơ chế cạnh tranh nhau.
Nhiều hãng dược cũng cho rằng, cần bỏ việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện. “Đấu thầu theo kiểu thông qua hội đồng như hiện nay đồng nghĩa với việc quay lại trách nhiệm tập thể nên chỉ làm giá thuốc tăng chứ không giảm. Hơn nữa, luật đấu thầu thuốc vô bệnh viện lại áp dụng luật đấu thầu xây dựng là phi thực tế”, một chuyên gia về dược học nói
TƯỜNG LÂM