“Xem qua vụ kiện mình khẳng định rằng doanh nghiệp này sẽ thắng kiện. Nếu anh này không hỏi luật sư sớm thì có khả năng bị mất khoảng 30 tỷ đồng này. Vấn đề rất đơn giản ở chỗ vụ kiện của bên nguyên đơn đã hết thời hiệu. Trường hợp này nếu DN không biết, vẫn lên Tòa án trình bày sự việc thì khi đó, tòa coi như anh ấy đồng ý tham gia để giải quyết vụ kiện. Khi tham gia giải quyết vụ kiện thì thời hiệu tự động được xác lập lại”, Luật sư Lê Hữu Trí dẫn chứng.
Nếu những doanh nghiệp (DN) lớn có bộ phận pháp chế hỗ trợ, thì các DN vừa và nhỏ ít được như vậy. Trên thực tế, có khá nhiều DN mới khởi nghiệp, DN nhỏ tìm đến luật sự để… xử lý hậu quả, thay vì chủ động phòng ngừa rủi ro. Tâm lý “nước đến chân mới nhảy” vẫn còn khá phổ biến.
Mới đây, tại cuộc hội thảo “Những rủi ro pháp lý tiềm ẩn đối với doanh nghiệp”, do Hiệp hội Doanh nhân trẻ TPHCM phối hợp với các cơ quan chuyên trách tổ chức, đã nổi lên nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Trong số này, nhiều chuyên gia, luật sư đã chỉ ra những rủi ro thường gặp mà các DN phải đối mặt. Ví dụ như rủi ro phát sinh từ hồ sơ pháp lý nội bộ của DN; rủi ro liên quan đến quy chế về lao động của DN; rủi ro từ việc thiếu quản trị tài sản trí tuệ của DN; rủi ro phát sinh từ hợp đồng với đối tác…
Vụ việc sau đây là một trong những dẫn chứng về rủi ro mà DN có thể gặp phải nếu văn bản được ký không đúng thẩm quyền. Ngân hàng X. ký chứng thư bảo lãnh cho Công ty Y. và chứng thư do Phó Giám đốc Ngân hàng X. ký với mức bảo lãnh 50 tỷ đồng. Vị phó giám đốc này đã được giám đốc ủy quyền ký chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên, trong điều lệ ngân hàng quy định rằng giám đốc chỉ được ký tối đa 30 tỷ đồng trở xuống. Các bên DN đã tiến hành giao dịch dựa trên chứng thư bảo lãnh này nhưng bên có quyền lại không được bảo lãnh theo chứng thư này. Vụ án được xử qua nhiều cấp, gây khó khăn cho cả nhà nước và các bên liên quan.
Anh Nguyễn Vân Dũng, giám đốc một DN chuyên về hàng quần áo thời trang xuất khẩu tại quận 3, cho biết: “Công ty tôi chỉ có 7 nhân viên, nên mọi người làm việc kiểu gia đình. Nội quy đưa ra cho có, nhưng không chặt chẽ. Việc nâng cao kiến thức pháp luật là cực kỳ cần thiết cho mỗi doanh nghiệp”.
Luật sư Lê Hữu Trí – Luật sư điều hành TriLaw nhìn nhận, nhiều DN tìm đến TriLaw nói riêng, hoặc một số công ty luật khác là để… xử lý hậu quả. Khi sự việc đã rồi, DN mới tìm đến luật sư, thì thường là trễ, khó xử lý để hạn chế tối đa tổn thất. Do vậy, tốt nhất DN hãy chủ động kiểm soát rủi ro bằng cách thành lập bộ phập pháp chế, hoặc nếu không có điều kiện thì DN cũng nên tham khảo ý kiến luật sư trước khi đặt bút ký các hợp đồng hay có hoạt động quan trọng nào đó.
Được biết, mới đây, TriLaw có hỗ trợ cho một DN Việt Nam là bị đơn trong một vụ kiện trị giá khoảng 30 tỷ đồng. “Xem qua vụ kiện mình khẳng định rằng doanh nghiệp này sẽ thắng kiện. Nếu anh này không hỏi luật sư sớm thì có khả năng bị mất khoảng 30 tỷ đồng này. Vấn đề rất đơn giản ở chỗ vụ kiện của bên nguyên đơn đã hết thời hiệu. Trường hợp này nếu DN không biết, vẫn lên Tòa án trình bày sự việc thì khi đó, tòa coi như anh ấy đồng ý tham gia để giải quyết vụ kiện. Khi tham gia giải quyết vụ kiện thì thời hiệu tự động được xác lập lại”, Luật sư Lê Hữu Trí dẫn chứng.
Trường hợp DN tìm đến các văn phòng luật sư để xử lý hậu quả khá nhiều, nhưng con số thắng kiện vẫn nằm trong vòng… bí mật, mà theo như một luật sư thừa nhận thì con số này còn khiêm tốn. Trong khi ở chiều ngược lại, nếu DN tìm đến sớm hơn, ràng buộc các điều khoản vào trong hợp đồng chặt chẽ hơn, kết quả thắng kiện cao hơn, rủi ro được hạn chế cao nhất có thể. Do vậy, theo các luật sư, thì DN nên chủ động tìm hiểu kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách thay vì bị động để đi xử lý hậu quả.