Giá trị gia tăng

Dễ đến 20 năm có lẻ, tôi mới có dịp trở lại Móng Cái. Thời gian qua đi, cảnh và người đã khác, không còn sự ngạc nhiên khi lần đầu được thưởng thức bia Thanh Đảo hay mua vài món đồ bắt mắt qua con đường “tiểu ngạch”, mà thay vào đó là một Móng Cái trầm kín hơn, khép mình trong đại cục “chính ngạch” với sự giao thoa, hòa hợp hai nền văn hóa. Vẫn một chân bám chặt vào quá khứ, chân kia cố kéo thân mình tiến về phía trước trong dòng chảy hội nhập.

Rõ nhất là khi tham quan một nhà máy chế biến thực phẩm có cái tên chung chung là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh - cái tên có từ cả chục năm trước, khi nguồn thủy sản trong nước còn phong phú. Ông chủ doanh nghiệp tên là Trưởng, còn khá trẻ, chỉ trên dưới 40 tuổi, lúc nào cũng chỉ nói đến một thị trường Trung Quốc rộng lớn, sát bên mà các mặt hàng chế biến của công ty hướng đến. Cũng khá thú vị khi anh mời bữa trưa ăn chung với công nhân có món gà ta Tiên Yên, lợn luộc Móng Cái truyền thống và bát canh bò viên to bằng nắm tay trẻ em có nhân… trứng cá tuyết nhập từ Nga.

Chính cái món bò viên khoái khẩu của người Hoa cộng với ý tưởng Việt đã tạo điểm nhấn cho bữa ăn mộc mạc, như minh chứng cho sự sáng tạo “không gì là không thể” của người Việt trong bối cảnh cạnh tranh thương trường khốc liệt thời 4.0. Và càng ngạc nhiên hơn khi ông chủ trẻ phong độ này bên cạnh sự quyết đoán khi đặt mua các nguyên liệu từ thủy sản đến gia cầm từ Nga, Mỹ, châu Âu để chế biến xuất sang Trung Quốc, còn mơ màng xây dựng một thư viện sách cho hơn 1.000 công nhân trong khuôn viên rộng 10ha chỉ cách thành phố Móng Cái hơn 15 phút đi xe. Mới nhất, anh đặt mua 50 cuốn thơ “Nguyễn Bắc Sơn - tác phẩm và dư luận” (Công ty văn hóa Huyền Đức và NXB Hội Nhà văn ấn hành) khi sách mới rao bán trên mạng mà theo lời anh là để “tạo giá trị gia tăng” cho sản phẩm.

Về lại TPHCM, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về giá trị vô hình của văn hóa, một thứ GDP không phần trăm tăng trưởng nhưng lại tạo sự tăng trưởng thật cho thương hiệu, cho sản phẩm Việt mà chúng ta còn xem nhẹ. Nếu chúng ta nghĩ khác, vì nước vì dân hơn thì không có chuyện vứt bỏ 48 tỷ đồng cho một dự án trục vớt đồ cổ từ một con tàu đắm ở Dung Quất với cách làm phản khoa học chỉ để thu về… hơn 10.000 mảnh vỡ nát của cái gọi là “đồ cổ thời Minh”. 48 tỷ là cả một kho sách, là hàng ngàn thư viện, là nguồn sống nuôi tài năng của cả một thế hệ trẻ bước vào con đường sáng tạo nghệ thuật. Và lẽ nào người ta đang tâm rút ruột ngân sách bằng cách vẽ vời dự án, khi các doanh nghiệp tư nhân đang chật vật giành giật từng phần trăm thị trường với đủ loại áp lực phí, thuế, rào cản pháp lý, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay. Rời Móng Cái, nhìn từ tủ sách nhỏ nhoi 50 tập thơ ban đầu, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực từ một vài dự án công sặc mùi phần trăm hoa hồng, chúng ta mới thấy quý trọng những mầm sống văn hóa “xã hội hóa” đang nảy nở đâu đó, nhất là ở TPHCM.

Trong tuần, người viết có dịp tham dự lễ ra mắt phòng tranh của một nhóm 3,4 họa sĩ có nghề tay trái là viết văn, làm thơ được bày ở tầng trên của nhà hàng Khoái, đường Lê Quý Đôn. Tranh của họ có giá khiêm tốn 300 - 500USD, cũng chưa có nét riêng, phảng phất đâu đó bóng dáng các tác phẩm siêu thực của Salvador Dali hay của một vài danh họa trong nước, nhưng cái đáng quý là họ dám dấn thân vào nghệ thuật, dám sống hết mình vì cái đẹp, cái nhân văn trong sự tha hóa chung của đồng tiền. Và ngắm tranh trong quán nhậu mới dễ thấy cuộc sống của người nghệ sĩ ở mọi thời đều cơ cực, không mấy ai sống được trọn vẹn bằng nghệ thuật, phải sử dụng cả nghề tay phải, tay trái để sống với ước mơ cháy bỏng là đến được lâu đài nghệ thuật cao quý!

Câu hỏi đặt ra là, bao giờ văn hóa mới trở thành ngành công nghiệp đứng trong câu lạc bộ tỷ đô mà hiện có 26 mặt hàng xuất khẩu của chúng ta đang hiện hữu? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Không ai nghĩ bộ phim truyền hình Về nhà đi con lại thắng lớn như vậy khi thu được số tiền quảng cáo kỷ lục là 150 tỷ đồng. Bí quyết có nhiều, trong đó phải kể đến ý tưởng kịch bản có gì đó giống với cốt truyện Vua Lia của Shakespeare. Giống mà khác, một đằng là bi kịch, một đằng là hài kịch, một đằng là châu Âu, một đằng thuần Việt với tình huống, xung đột tâm lý đậm chất gia đình Việt. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác như bàn tay đạo diễn, sự lựa chọn chỉn chu dàn diễn viên từ vai chính đến vai phụ, quay phim… và kể cả công tác PR đầy hiệu quả của đơn vị sản xuất.

Sau bộ phim này, nhiều người tham gia đã mua được nhà lầu, xe hơi. Nhờ tài năng nghệ thuật, nhờ tìm được hướng đi mới, nhờ dựa vào bản sắc dân tộc mà ta thường nói nhưng ít làm. Đó cũng chính là giá trị gia tăng của một mặt hàng thuần cảm xúc…

Tin cùng chuyên mục