Giá xăng dầu giảm mạnh tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh

Giá xăng dầu giảm mạnh tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh

Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay giá xăng dầu đã giảm trên 20%, dao động quanh mức 15.000 - 16.000 đồng/lít. Điều này tạo ra nhiều cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tăng sức cạnh tranh

Đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như vật liệu xây dựng, hải sản… xăng dầu chiếm từ 20% đến 30% chi phí đầu vào. Do đó, khi giá xăng dầu liên tục giảm sẽ tạo ra nhiều cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp tiết giảm chi phí giá thành sản xuất, đồng thời nâng sức cạnh tranh.

Theo Giám đốc Công ty TNHH SX TM Vạn Xuân Trần Văn Hoàng, chuyên sản xuất kinh doanh các loại băng keo dán, ở huyện Hóc Môn, TPHCM, với mức giá xăng dầu giảm sâu gần 10.000 đồng/lít, thời gian gần đây thực sự tạo cơ hội điều chỉnh giá thành mới đối với sản phẩm, hàng hóa của công ty. “Ngay sau khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm, chúng tôi đã thông báo đến các đối tác giảm giá thành tương ứng cho những đơn hàng đầu năm 2015. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu ổn định hoặc giảm tiếp, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng, đồng thời điều chỉnh giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh tốt hơn”, ông Trần Văn Hoàng chia sẻ.

Doanh nghiệp sản xuất được nhiều lợi ích khi giá xăng dầu giảm. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tương tự, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thép Việt (Pomina) Đỗ Duy Thái, hồ hởi cho biết, tổng kết tình hình hoạt động kinh doanh trong năm 2014, sức mua mặt hàng thép đã tăng trung bình khoảng 10%. “Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng ngành thép đạt được mức tăng trưởng này là nhờ tác động từ một số chi phí giá thành, trong đó có giá xăng dầu, điện nước, vận chuyển…”, ông Đỗ Duy Thái nói.

Theo phân tích của kỹ sư xây dựng Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hoàng Sơn, quận Bình Tân, khi xăng dầu giảm giá, một số chi phí trong gia đình như phương tiện đi lại hay mua sắm vật dụng cũng được tiết giảm theo. Qua đó, người dân sẽ có thêm điều kiện tích lũy để đầu tư vào hoạt động xây dựng, sửa chữa, mua bán nhà cửa, khiến thị trường bất động sản ấm dần lên, mặt hàng vật liệu xây dựng tăng lượng tiêu thụ. “Do đó, nếu tính tác động trực tiếp của việc giá xăng dầu giảm đối với hoạt động sản xuất sắt thép, gạch, đá… rất lớn”, ông Nguyễn Hoàng Dũng phân tích.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, giá thành, vật tư nguyên liệu. Nên khi giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, sản xuất kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Và quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ được lợi, không chỉ bởi giá giảm mà còn có thể tăng sức mua, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế.

Kích thích tăng trưởng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, ngoài yếu tố lo ngại kinh tế vĩ mô như giảm thu ngân sách, thì việc gần đây giá dầu giảm đem lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế trong nước. Ngân sách giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu so với trước đây từ 20% - 25% xuống còn 10%, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, từ đó lại giúp gia tăng hoạt động chi tiêu và sản xuất.

Tập đoàn Frontier Strategy (FSG) đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 có thể cao hơn so với mức dự báo tăng 5,9% của năm 2014. Nếu giá dầu ổn định ở mức 50 USD/thùng trong năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến trên 10% do sức mua được cải thiện và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên. Ngoài ra, nếu giá xăng dầu giảm dẫn đến giá sản xuất (PPI) giảm sẽ lan tỏa mạnh hơn đến nền kinh tế. Cụ thể, nếu giá xăng dầu giảm 20% sẽ đưa chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ sản xuất đầu tiên khoảng 0,8% và khi nền kinh tế sử dụng các sản phẩm đã được giảm giá làm chi phí đầu vào, thì giá thành ở chu kỳ này giảm tiếp 0,3% - 0,5%.

“Việc giá xăng dầu giảm sẽ khiến chỉ số giá sản xuất năm 2015 giảm 1,1% - 1,3%. Bên cạnh đó, nếu kịch bản này xảy ra, GDP sẽ tăng khoảng 2,2% và thuế gián thu sẽ tăng khoảng 3,4%, nếu tính cả lạm phát thì thuế gián thu sẽ tăng khoảng 8%”, chuyên gia kinh tế Phạm Hoài Thu, Học viện Tài chính, phân tích.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng vẫn còn cao do đang phải chịu quá nhiều loại thuế phí. Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên việc giá xăng cao sẽ khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bị suy yếu. Trên thực tế, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, giá thành, xăng dầu vật tư... Trong đó, yếu tố xăng dầu là yếu tố đầu vào đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nên chăng Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn thông qua việc giảm thuế phí để tiếp tục giảm giá xăng dầu cho tương thích với giá thế giới. Từ đó, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tạo kích thích tiêu dùng.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục