Giá xăng dầu tăng mạnh: Xem xét lại thuế phí

Chiều 13-6, giá xăng E5 RON92 lên mức 31.117 đồng/lít (tăng 882 đồng/lít), xăng RON95-III có giá bán mới là 32.375 đồng/lít (tăng 797 đồng/lít). 
Người dân đổ xăng tại trạm xăng dầu Hiệp Quế (huyện Nhà Bè, TPHCM), chiều tối 13-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân đổ xăng tại trạm xăng dầu Hiệp Quế (huyện Nhà Bè, TPHCM), chiều tối 13-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở các địa phương nằm xa cảng, xa kho đầu mối, giá xăng thực tế đến tay người tiêu dùng khoảng 33.000 đồng/lít. Riêng giá dầu tại kỳ điều hành lần này tăng “sốc” với mức trung bình trên dưới 2.500 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel 0.05S lên 29.020 đồng/lít (tăng 2.626 đồng/lít), dầu hỏa 27.839 đồng/lít (tăng 2.493 đồng/lít).

Tăng trên toàn thế giới 
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 13-6, GS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam, cho rằng, mỗi lần giá xăng dầu tăng đều tác động trực tiếp tới mặt bằng giá cả, “hầu bao” của người dân, gây hiệu ứng domino, vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có giao thông vận tải, hàng không, du lịch, đánh bắt hải sản, sản xuất nông nghiệp, nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, GS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục và tăng liên tiếp như hiện nay là bất khả kháng, bởi giá xăng dầu đang leo thang hầu như trên phạm vi toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam đã chủ động được khoảng 70% trữ lượng xăng dầu cho thị trường, chỉ có 30% phụ thuộc nhập khẩu, song thực tế vẫn phải nhập dầu thô của thế giới để lọc hóa, còn dầu khai thác của Việt Nam không phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa.
Theo Hiệp hội Xăng dầu thế giới, mặc dù trong những tháng qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng tới 70%-80% nhưng mức tăng giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 12% của thế giới. Theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, giải pháp hiện nay để kiểm soát giá xăng dầu là Chính phủ có thể xem xét giảm, hoặc miễn một số loại thuế chiếm tỷ lệ cao trong cấu thành giá bán xăng dầu, hoặc trợ giá như Malaysia đang thực hiện, gồm 4 loại thuế: tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, nhập khẩu và bảo vệ môi trường. 
 Giá xăng dầu tăng mạnh: Xem xét lại thuế phí ảnh 1 Người lao động đổ xăng giá mới sau buổi chiều tan tầm tại trạm xăng dầu Quế Hiệp, ĐH34, Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo tính toán, thuế với xăng hiện đang chiếm khoảng 29%-31%, dầu khoảng 20%-30% giá bán. Nhưng, có một số loại thuế có lẽ đã tới giới hạn miễn giảm, chẳng hạn như thuế nhập khẩu xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng khoảng 8% thì ở một số nước như Hàn Quốc cũng đang giữ 8% và theo lộ trình sẽ tiến tới mức thuế nhập khẩu với xăng dầu chỉ là 0%. Với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc miễn giảm là rất khó, bởi mục đích của loại thuế này là để hạn chế tiêu dùng xăng dầu quá mức. 
GS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì không phải người tiêu dùng nghèo được lợi, vì nhu cầu sử dụng không lớn, mà chính là các doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp đang sử dụng các loại công nghệ, thiết bị tiêu tốn nhiên liệu quá mức.
Cần trợ giá cho người tiêu dùng
Cũng theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ cần dự báo liệu sắp tới giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng nữa hay không, để đưa ra các quyết sách chính xác như: trợ giá cho người tiêu dùng, tạm miễn giảm các loại thuế phí có thể khả dụng, qua đó kìm hãm mức giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. “Chính phủ cần phải liệu cơm gắp mắm, đưa ra quyết sách dứt khoát, kịp thời, phù hợp”, ông Thịnh nói và cho rằng, miễn, giảm thuế sẽ giúp người dân “bình phục” trong giai đoạn giá cả liên tục tăng hiện nay.

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường trong nước được xem xét, định đoạt dựa trên cơ sở từ giá xăng dầu nhập khẩu (giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm) cộng với các loại thuế, phí. Hiện 1 lít xăng dầu đang chịu các khoản thuế và phí như sau:
Về thuế, xăng đang chịu 3 sắc thuế gồm: thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, 8% với xăng sinh học E5 RON92) và thuế giá trị gia tăng (10%). Ngoài ra, xăng và dầu còn chịu thêm thuế bảo vệ môi trường với mức cố định là 1.900-2.000 đồng/lít (đã giảm 50% kể từ ngày 1-4 vừa qua).

Về phí, mỗi lít xăng đang chịu các khoản chi phí định mức là 950 đồng, 1.050 đồng, 1.250 đồng tùy loại; lợi nhuận định mức 300 đồng/lít (mặc định kinh doanh xăng dầu là có lãi), chi phí vận chuyển... Đối với các địa phương thuộc vùng 2 (xa cảng, xa kho đầu mối...), giá xăng thực tế bán đến tay người tiêu dùng cao hơn tối đa 2% so với mức giá liên bộ Công thương - Tài chính quy định.

VĂN PHÚC

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, lạm phát các nước hiện đã tăng cao nhưng Việt Nam hiện nay mới chỉ bị tác động bởi một nhân tố, đó là lạm phát chi phí đẩy (giá xăng dầu), còn các yếu tố cầu kéo chưa tác động nhiều. Nhưng thời gian tới, tác động của yếu tố cầu kéo sẽ tăng (giải ngân đầu tư công của các dự án cao tốc, đường Vành đai 3 TPHCM, gói phục hồi kinh tế…).
Do đó, Chính phủ cần kiểm soát giá, ghìm chi phí đẩy, tức là giảm các loại thuế phí xăng dầu để giảm các chi phí của doanh nghiệp. Có như thế chúng ta mới tạo được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm được kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, tăng được tổng mức đầu tư, lúc đó mới bảo đảm được mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng.
Ông Trần Hoàng Ngân dự báo, thời gian tới, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng. Do đó, Chính phủ phải sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, hay nói chung là giảm các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu. Hiện nay, các nước đều đã làm và Việt Nam có điều kiện để thực hiện vì chúng ta khai thác được sản lượng dầu khí. Do đó, cần sử dụng lợi thế này để hỗ trợ lại nền kinh tế. Hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam đang cao hơn nhiều nước như Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ... (ở vị trí 84 trên thế giới, còn sản lượng xăng dầu khai thác được thì đứng vị trí 33). Do đó, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ ngay để bảo đảm kinh tế vĩ mô.

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM:

Doanh nghiệp vận tải đang phải “thắt lưng, buộc bụng”

Xăng, dầu tăng giá đang đẩy ngành vận tải vào tình huống vô cùng khó khăn bởi 2 lý do sau. Thứ nhất, chi phí xăng, dầu chiếm đến khoảng 30%-40% tổng chi phí vận hành của xe. Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lực cầu vận tải, đặc biệt vận tải hành khách rất thấp. Do đó, doanh nghiệp vận tải có muốn tăng giá cước để bù đắp chi phí cũng không dám vì sợ hành khách ít đi hơn nữa. Hầu hết doanh nghiệp vận tải đang phải “thắt lưng, buộc bụng”, thu giảm quy mô hoạt động, giảm nhân sự… để tồn tại.

Trong bối cảnh này, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giảm thêm các loại thuế, phí liên quan đến xăng, dầu để giúp kéo giảm giá xăng, dầu. Đặc biệt, đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng vì đây là loại hàng hóa thiết yếu, là nhiên liệu, là “đầu vào” với nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, không phải là hàng hóa xa xỉ mà loại thuế này nhắm tới.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đến hết năm nay, nhưng bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi vẫn mong muốn được giảm 100% loại thuế này vì thực sự có không ít doanh nghiệp đã ngấp nghé bờ vực… phải tạm đóng cửa.

Tâm Đức ghi

Tin cùng chuyên mục