Giấc mơ từ sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu được trồng trên những đỉnh núi ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, mọc tự nhiên tại vùng đất Nam Trà My, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là cây hái ra tiền tỷ, nhiều khu vườn của người Xê Đăng với những gốc sâm trị giá chục tỷ đồng.
Giấc mơ từ sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu được trồng trên những đỉnh núi ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, mọc tự nhiên tại vùng đất Nam Trà My, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là cây hái ra tiền tỷ, nhiều khu vườn của người Xê Đăng với những gốc sâm trị giá chục tỷ đồng.

Những khu vườn quý

Vượt chặng đường hơn 30km từ trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi đến xã Trà Linh hiện là vùng trồng sâm Ngọc Linh với số lượng lớn nhất huyện. Chủ tịch UBND xã Trà Linh Đinh Hồng Thắng cho biết, sâm Ngọc Linh trở thành cây kinh tế chính của người Xê Đăng nơi đây. Những khu vườn trị giá cả chục tỷ đồng trên vùng núi cao này cũng trở nên kỳ vĩ. Chuyện “sâm tổ” Ngọc Linh 7 nhánh được ông Hồ Kim Lĩnh mang về trồng nhiều năm trước, đến nay đã thành vườn sâm hơn 1,5ha, trở thành “báu vật” của xã. Trong đó, giá trị mỗi hécta sâm trồng lâu năm, ít nhất cũng bán được 50-70 tỷ đồng. Vì vậy, ở vùng đất này, khu rừng nào có thể trồng sâm, người dân đều khoanh khu vực, mỗi nhà làm khoảng 1 sào sâm là “sống đủ”.

Sâm Ngọc Linh là một trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới. Ngoài tác dụng tăng cân, tăng thị lực, thể lực, kéo dài sự sống…, đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxy hóa, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường… Những nghiên cứu về loại sâm này bắt đầu từ năm 1973, đến nay đã trở thành cuộc “cách mạng sâm” trồng dưới tán rừng tại huyện Nam Trà My.

Sâm Ngọc Linh được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Anh Hồ Văn Phải, 33 tuổi, xã Trà Linh, trồng sâm cách đây gần 15 năm, cho biết: “Ông bà ngày xưa lên rừng thường mang sâm Ngọc Linh về ngâm rượu uống hoặc dùng cầm máu, trị thương. Tôi cũng mang về trồng rồi tự nảy hạt ra thành vườn”. Đến nay, anh Phải có 1ha sâm với hơn 10.000 cây, theo anh Phải, những cây sâm từ 6-7 tuổi trở lên, giá bán ra hiện tại 6 triệu đồng/lạng (tương đương 2 củ sâm); những cây sâm 1-2 tuổi mua về làm giống, giá chỉ từ 200.000 - 400.000 đồng/cây. Anh Phải cho biết, khu vườn của anh ước tính trị giá 20 tỷ đồng, giá trị của khu vườn có thể tăng lên nếu “nuôi” sâm càng lâu.

Đến nay, toàn xã Trà Linh có trên 400 hộ trồng hơn 30ha sâm Ngọc Linh. Để phát triển, huyện Nam Trà My đã mở đường lên tận các vùng trồng sâm của người dân. Ngoài ra, với chương trình 30a của Chính phủ, 17 hộ dân đăng ký thoát nghèo hàng năm của xã được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để mua giống sâm về trồng. Chính quyền xã còn phát triển sản xuất sâm theo nhóm hộ, hiện có 17 nhóm hộ, mỗi nhóm từ 10-20 hộ gia đình.

Bảo vệ nguồn gen

Theo quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết đến năm 2020, toàn huyện sẽ đạt mốc 15.548ha sâm Ngọc Linh với mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Hiện diện tích khoanh vùng trồng sâm trong dân khoảng 1.200ha, có 6 doanh nghiệp lên khảo sát đầu tư thêm loại cây dược liệu này. Tuy nhiên, theo ông Bửu: “Hiện nay, giống sâm chỉ được hái từ trên cây gieo xuống lại chứ chưa thể sản xuất ra chất lượng giống đạt tỷ lệ sống cao. Trong chặng đường đầu tư 9.000 tỷ đồng này, vấn đề nhân giống sâm Ngọc Linh và bảo tồn nguồn giống gốc vẫn còn khó khăn”.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện nay, phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô đã được thử nghiệm, nhưng vẫn chưa thể nâng cao tỷ lệ sống của cây sâm Ngọc Linh trong môi trường tự nhiên. Việc nhân giống hữu tính bằng hạt vẫn được người dân sử dụng vì tỷ lệ sống cao. Theo đó, cây sâm Ngọc Linh cần 4 năm tuổi mới ra hoa, năm thứ 5 mới ra quả, mỗi cây chỉ cho 30 hạt/năm, tỷ lệ cây sống sau khi ươm hạt đạt 50% - 70%; như vậy, mỗi cây chỉ có 15 hạt nảy mầm thành cây sâm. Do đó, người dân cần bảo vệ những cây “sâm tổ”, giữ lại nguồn gen tốt; tránh việc thấy lợi trước mắt, bán sâm khi còn non.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục