Giải bài toán vốn doanh nghiệp

Ngày 23-9, tại hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới do UBND TPHCM phối hợp Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều DN cho biết, khó khăn về vốn vẫn là nỗi lo lớn do lãi suất vay còn cao và chi phí sẽ tăng do mức lương tối thiểu dự kiến tăng 12,4% trong thời gian tới.
Giải bài toán vốn doanh nghiệp

Ngày 23-9, tại hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới do UBND TPHCM phối hợp Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều DN cho biết, khó khăn về vốn vẫn là nỗi lo lớn do lãi suất vay còn cao và chi phí sẽ tăng do mức lương tối thiểu dự kiến tăng 12,4% trong thời gian tới.

Chủ lực kinh tế vẫn là ngành thâm dụng lao động

Tính đến tháng 9-2015, lãi suất cho vay duy trì ở mức 7% - 12%. Tuy đã giảm so với năm 2014 nhưng các DN vẫn mong lãi suất giảm thêm, giúp DN vay đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Nhưng trước diễn biến đồng nhân dân tệ và tiền đồng Việt Nam mất giá vừa qua, lãi suất cho vay sẽ khó giảm thêm đến hết năm 2016. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, không chỉ gặp khó khăn trong vốn đầu tư, DN nội còn có khả năng teo tóp quy mô sản xuất khi chính thức có sự điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu. Hiện mức lương tối thiểu cuối cùng cũng đã được thông qua ở mức 12,4%. Tuy nhiên, dù chỉ còn ở mức 12,4% nhưng đây vẫn là mức rất cao đối với khả năng các DN. Bởi hầu hết, những ngành kinh tế mũi nhọn có kim ngạch xuất khẩu cao của nước ta, lại là những ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản.

Những ngành thâm dụng lao động gặp khó khăn khi mức tăng lương tối thiểu ở mức 12,4% (Ảnh: CAO THĂNG)

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những ngành này vẫn tiếp tục được xác định là ngành cốt lõi. Do đó, việc tăng mức lương tối thiểu kéo theo gia tăng các loại chi phí (bảo hiểm xã hội, công đoàn…) sẽ làm vượt quá sức chịu đựng của DN.

Một vấn đề khó khác mà DN Việt Nam đang phải đối mặt là không thể chủ động nguyên liệu sản xuất. Hơn 90% nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ông Herb Cochan, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), nhấn mạnh, hầu hết DN Việt Nam nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, không đủ nguồn lực để đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Trong khi đây là vấn đề mấu chốt nhất để DN hưởng được lợi thế từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tăng nguồn quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ DN nâng cao năng lực chuẩn bị hội nhập, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tổng thể môi trường kinh doanh. Trước hết phải giảm thêm lãi suất cho vay; trường hợp Chính phủ thông qua mức lương tối thiểu tăng 12,4% thì cho phép DN được giãn lộ trình thực hiện đóng bảo hiểm xã hội tính trên tổng mức lương thêm một thời gian nữa. Về môi trường hoạt động, cần thông thoáng hơn bằng cách tăng cường áp dụng hải quan điện tử, kê khai thuế qua mạng, chính sách một cửa quốc gia… Đặc biệt, phải cải thiện tình trạng “hành” DN của các cơ quan công quyền, gây mất thời gian và chi phí rất lớn cho DN.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex), cho rằng, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu tiên để nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Từ đó, giúp các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, đầu tư vào chu trình khép kín, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt trong quá trình hội nhập.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết, hiện thành phố đã thành lập nhiều nguồn quỹ, chương trình nhằm hỗ trợ DN phát triển như Quỹ bảo lãnh tín dụng, Chương trình kích cầu, hỗ trợ kiến thức doanh nghiệp, xúc tiến thương mại… Tính cho đến nay, tổng chi phí hỗ trợ DN lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện thông thoáng để DN có thể tiếp cận nguồn vốn này và đẩy mạnh phát triển sản xuất. Amcham cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam 20 triệu USD để tăng cường nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, ông Herb Cochan nhấn mạnh thêm, để có thể cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ cần phải tăng cường đối thoại giữa DN, người dân, tổ chức chính trị với chính quyền. Có như vậy mới kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải cũng như đưa ra những biện pháp giải quyết sát với thực tế hơn.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục