Là một “đại tướng” của làng bóng đá Mỹ, thế nhưng, khi mạo hiểm chấp nhận dấn thân vào nhiệm vụ Premier League lành ít dữ nhiều, chính HLV Bob Bradley cũng phải bàng hoàng hiểu ra rằng, với việc bản thân đã bị giam vào hiểm địa, tứ phía đều là tuyệt lộ, thân phận ông cũng chẳng khác gì một “binh nhì” chờ được đội tiếp ứng giải cứu khỏi một cuộc chiến khốc liệt vào bậc nhất trong làng bóng đá châu Âu.
Khi Đại úy John H. Miller tuyệt vọng bắn ra những phát đạn cuối cùng từ khẩu súng ngắn của mình trong phân đoạn gần cuối của bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” chính ông cũng không ngờ, cục diện đổ nát và tuyệt vọng lại trở thành hình ảnh chiếc xe tăng Tiger của quân Đức nổ tung trong lửa đạn, và rằng, đội giải cứu binh nhì James Francis Ryan của ông cùng các đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ, đã không phải hy sinh trong vô ích. Phát đạn súng ngắn của Miller đương nhiên không thể làm nổ tung chiếc xe tăng, bom của máy bay quân Mỹ mới làm được điều đó, nhưng nó chính là biểu hiện của một nỗ lực chiến đấu đến kỳ cùng, quyết không đầu hàng, và cái tinh thần đó, đáng được vinh danh kim cổ.
Tối 26-11, trên sân Liverty, Swansea City cũng bị đẩy vào tuyệt lộ. Đến phút thứ 90 của trận đấu, Swansea vẫn đang bị Crystal Palace dẫn trước 4-3, dù đã có thời điểm họ vượt lên dẫn trước đến 3-1. “Binh nhì” Bradley đối mặt với nguy cơ trải qua trận đấu thứ 6 liên tiếp không thể giành nổi chiến thắng ở đấu trường Premier League. Thế rồi, “đại úy” Fernando Llorente đột nhiên xuất hiện. Phút 90+1, một pha nâng chân ngẫu nhiên của anh vụt biến thành pha dứt điểm gỡ hòa 4-4. Phút 90+3, trong một pha áp sát khung thành đối phương, Llorente ra chân “bắn phát đạn thứ 2” kết liễu số phận trận đấu, giúp “binh nhì” Bradly trở thành HLV người Mỹ đầu tiên có được một trận thắng ở giải Ngoại hạng Anh. Có thể nói, ở thời điểm đó, Llorente cũng không chắc những tình huống có phần vô thức của mình sẽ khiến cục diện xoay vần. Nhưng bản năng của một cầu thủ Premier League chảy trong huyết quản của tiền đạo người Tây Ban Nha không cho phép anh đầu hàng, hay buông bỏ, khi mọi thứ vẫn chưa đi đến kết cục cuối cùng.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đại úy Miller dặn binh nhì Ryan phải sống tốt, đừng phụ công lao hy sinh thân mình để giải cứu anh của các đồng đội đã ra đi. Ryan đã trân trọng cơ hội thứ 2 này, và sau đó, trong nghĩa trang vinh danh những người anh hùng đã đổi cả mạng sống để cứu anh, anh nói anh đã không hề hối hận, rằng anh đã sống tốt cuộc sống của mình. Với những bàn thắng “cứu mạng” của Llorente, “binh nhì” Bradley đã được trao cơ hội thứ 2 để đưa Swansea quay trở lại đúng đường. Chắc chắn, ông đã hiểu về sự khốc liệt và khó lường của Premier League, biết về những hy sinh và mất mát để đạt đến chiến thắng, và ông thầy người Mỹ sẽ quý trọng những gì mình đã trải qua, đã được cứu vãn khỏi chuỗi những ngày tháng thê thảm nhất trong sự nghiệp của mình.
Phía trước, “binh nhì” Bradley cũng sẽ có nghĩa vụ giải cứu Swansea khỏi đà suy thoái.
DƯƠNG ĐỖ