
Không phải khi biển Đông đang nóng lên từng ngày, giới nhạc sĩ Việt Nam mới sáng tác về biển đảo quê hương, mà từ lâu đã có những tác phẩm mang giai điệu thiết tha hướng về phần lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2 ca khúc trong số đó hiện đang được phổ biến và ngưỡng mộ trong đông đảo quần chúng.
1. Khi cả nước một lòng lên tiếng khẳng định chủ quyền biển đảo, một khúc hát vang lên lay động hàng triệu con tim người Việt Nam: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa… Và thật thiết tha thương cảm đến quặn lòng khi nghe tâm sự thầm kín của người lính nơi đảo xa: Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh, trời xanh trong nắng mới/ Nhớ cả hình dáng em mùa gặt nặng đôi vai/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tàu ra khơi, đây con tàu xa khơi…

Nhạc sĩ Thế Song. Ảnh: NGỌC MINH
Tác giả ca khúc Nơi đảo xa nổi tiếng trên chính là nhạc sĩ Thế Song, tên thật là Nguyễn Thế Song, quê Hà Nội, từ diễn viên hát ở Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành biên tập viên âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác. Trong gia tài đồ sộ của ông với trên 500 tác phẩm, phổ biến nhất chính là ca khúc về biển đảo này. Cách nay 35 năm, năm 1979, trong một dịp đi thực tế ở Đồn biên phòng Quảng Ninh, trên đường về Hà Nội, ông nghỉ chân ở một trạm sửa chữa tàu biển hải quân. Các chiến sĩ từ đảo về cho biết đã công tác ở đó 2 năm, gian khổ, hy sinh chịu được nhưng rất nhớ nhà và người thân. Có chiến sĩ còn bộc bạch: Ở đảo toàn con trai, rất thèm gặp một cô gái. Mọi người mong Thế Song sớm có sáng tác về đảo và lính đảo. Trên đường về, ông đã sáng tác ca khúc Nơi đảo xa.
Biểu diễn đầu tiên ca khúc này là ca sĩ Tiến Thành khá thành công, sau đó là nhiều ca sĩ khác như Trọng Tấn, Tùng Dương… Bài hát nhanh chóng phổ biến khắp cả nước. Thế Song vẫn ghi nhớ một kỷ niệm khó quên: Năm 1995, cùng một số nhạc sĩ khác, ông ra thăm Trường Sa. Trong đêm giao lưu, các chiến sĩ hát bài Nơi đảo xa, nghe rất xúc động. Khi được biết có tác giả đang đến thăm đảo, mọi người vui mừng chạy đến vây quanh.
Trong thời gian gần đây, nhạc sĩ Thế Song đã 2 lần bị tai biến, hiện được người thân, đồng nghiệp, thầy thuốc tận tình chăm sóc, đang có chuyển biến tốt.
2. Có một tác phẩm âm nhạc về biển quê hương cũng khá nổi tiếng. Đó là ca khúc Biển hát chiều nay do nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác. Ông tên thật là Phan Hồng Đăng, sinh ngày 1-1-1936, quê Nghệ An. Sáng tác của Hồng Đăng khá nhiều, đủ các thể loại ca khúc, hợp xướng, thanh xướng kịch, ca cảnh, tiểu phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu… Công chúng biết đến tên tuổi ông nhiều nhất qua ca khúc Biển hát chiều nay.

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: HOÀI AN
Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác ca khúc này trong một chuyến đi dài ngày trên biển vào năm 1980. Giai điệu và tiết tấu bài hát vừa dạt dào tiếng sóng, vừa hào phóng, rộng lượng của “chất biển” Việt Nam. Ca từ mang nhiều hình tượng văn học, đẹp như một bài thơ. Nhạc và thơ quyện với nhau khá chặt chẽ như hình với bóng, tạo nên ấn tượng vừa mênh mông bát ngát vừa thắm thiết thân thương. Bài hát được viết theo thể 2 đoạn đơn. Đoạn A nhẹ nhàng như những làn sóng nhỏ, như những lời thủ thỉ tâm tình: Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợi lên những cánh chim hải âu… Vào đoạn B, giai điệu chợt dâng lên như sóng nhấp nhô, nhưng vẫn không mất đi vẻ ngọt ngào, đằm thắm của biển cả bao la: Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…
Có thể xem đây là một bài tình khúc về biển khá thành công. Qua giọng hát của các ca sĩ được mến mộ như Lê Dung, Ngọc Bích, Lệ Quyên, Mỹ Linh…, ca khúc Biển hát chiều nay đến với đông đảo công chúng ngày càng thấm, càng đậm đà như chất muối mặn trong lòng biển cả mênh mông.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC