Giải ngân vốn FDI cao kỷ lục

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2019 được xác định là cao nhất trong vòng 10 năm gần đây, với hơn 38 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là vốn giải ngân đạt con số cao kỷ lục từ trước tới nay với gần 20,4 tỷ USD. 
Sản xuất pin điện thoại di động tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất pin điện thoại di động tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: CAO THĂNG

Đây là dấu hiệu cho thấy công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư của Việt Nam đã đi vào thực chất.

Con số kỷ lục

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến gần cuối tháng 12-2019, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm trước. Trong đó, lượng vốn đăng ký mới gần 17 tỷ USD, vốn điều chỉnh và tăng thêm 5,8 tỷ USD, lượng vốn góp mua cổ phần 15,47 tỷ USD. Hà Nội dẫn đầu về thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư.

Nếu vốn đăng ký có thể ảo, thì số vốn giải ngân của các doanh nghiệp FDI đã chứng minh thực chất của hoạt động đầu tư. Cụ thể, vốn FDI giải ngân năm 2019 đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Mặc dù số vốn đầu tư mới không có quy mô dự án lớn như những năm trước, nhưng hoạt động đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt con số ấn tượng. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn, đặc biệt với vốn thực giải ngân, là một thành quả thực sự.

Các ngành chế tạo, chế biến vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, gấp 2,5 lần vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cho dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 24,56 tỷ USD (chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được 3,88 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng vốn đầu tư đăng ký và tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ…

Đáng chú ý là Hàn Quốc, Hồng Công là những thị trường vốn đổ vào Việt Nam nhiều nhất; trong đó, Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đến 7,92 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư); Hồng Công với 7,87 tỷ USD; Singapore có tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc...

Tiếp tục kết nối và chia sẻ thông tin

Thành quả đạt được trong thu hút vốn đầu tư, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là nhờ hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư của Chính phủ. Do vậy, trong năm tới, Việt Nam tiếp tục thêm nhiều chính sách mới tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia; trong đó tập trung quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Hiện nay đã có 3 bộ ngành với 183 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Việt Nam cũng đã kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử và đang trong quá trình triển khai mở rộng trao đổi các chứng từ khác, cũng như kết nối với một số đối tác ngoài ASEAN, như Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, để đẩy mạnh một cửa hiệu quả cao nhất, hướng tới sẽ triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Làm được điều này sẽ đáp ứng yêu cầu của Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, thông tin, dữ liệu cho doanh nghiệp và người dân.

Do vậy, việc ban hành nghị định tạo cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người, phương tiện, xuất nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia là rất cần thiết. Do vậy, dự thảo nghị định đã đề xuất 2 chính sách mới, gồm: (1) thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. (2) thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc này sẽ tạo thuận tiện nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như hoàn thiện hồ sơ thủ tục trên môi trường mạng, khai thác thông tin dữ liệu trên môi trường mạng…

Tin cùng chuyên mục