Giải pháp cho luồng Định An

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản hỏa tốc trả lời đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội 9/13 tỉnh, thành Tây Nam bộ về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (gọi tắt dự án luồng tàu biển) và công tác nạo vét, duy tu luồng Định An - tuyến hàng hải quan trọng nhất hiện nay ở khu vực ĐBSCL.

Theo Bộ GTVT, dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ đến sau năm 2015. Bộ GTVT đang đề xuất vốn bổ sung phát hành trái phiếu Chính phủ tăng thêm cuối năm 2013 hoặc nguồn ngân sách khác để tiếp tục triển khai dự án. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu 3.200 tỷ đồng, theo báo cáo đã triển khai thi công gần 1.000 tỷ đồng. Nhưng theo khảo sát, đánh giá của Cục Hàng hải, hiện đã “đội giá” lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của Bộ GTVT, kể cả khi dự án luồng tàu biển được hoàn thành thì cửa Định An vẫn phải được tiếp tục được duy trì để đáp ứng cho cỡ tàu dưới 1 vạn tấn, giúp giảm mật độ tàu hàng hải trên luồng kênh mới Quan Chánh Bố. Trong khi chờ luồng tàu biển mới, thì cửa Định An, như câu chuyện hơn 30 năm nay, luôn bị “mắc cạn” do bồi lắng.

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, 15 bến cảng tại ĐBSCL chỉ mới khai thác từ 20% đến dưới 50% công suất, nhiều bến cảng hoạt động cầm chừng, lượng hàng hóa qua cảng trọng điểm như Trà Nóc và Cái Cui (Cần Thơ) sụt giảm từ 1,4 triệu tấn năm 2011 xuống còn 773.000 tấn năm 2012. Nguyên nhân chính là do luồng “mắc cạn”!

Nhiều chuyên gia cho rằng dù được nạo vét nhiều lần nhưng luồng Định An bị tắc là do nạo vét chưa triệt để, làm cầm chừng. Trong thời gian từ năm 1975 đến 2008, các cơ quan chức năng đã nạo vét 13 lần nhưng với kinh phí quá thấp, cao nhất 14 tỷ đồng (năm 2004) và thấp nhất 2 tỷ đồng, nên luồng Định An vẫn chưa “vượt cạn”. Từ năm 2009 - 2012, Chính phủ đã đầu tư 87 tỷ đồng để nạo vét luồng Định An nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn và tốn kém kinh phí.

Luồng Định An cần được chỉnh trị căn cơ hơn. Cần cập nhật kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đề xuất cụ thể phương án nạo vét, thuê phương tiện thi công công suất lớn so với sử dụng 2 con tàu cũ kỹ hơn 40 năm tuổi (Long Châu và Trần Hưng Đạo ngược xuôi Nam - Bắc) như thời gian qua; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế đặc thù nạo vét, duy tu. Một hướng mở, có khả năng tháo được nút thắt làm “mắc cạn” luồng Định An trong điều kiện kinh phí nạo vét hạn hẹp là “đổi cát lấy luồng”.

Theo ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, hiện có một số doanh nghiệp sẵn sàng nạo vét luồng Định An để được sử dụng lượng cát xuất khẩu. Việc này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho phép xuất khẩu các sản phẩm cát nhiễm mặn thuộc các dự án nạo vét cửa sông (Thông báo số 407/TB-VPCP ngày 17-12-2012 của VPCP).

Việc “đổi cát lấy luồng” cần được khuyến khích doanh nghiệp tham gia xã hội hóa bằng nhiều hình thức phù hợp, trên cơ sở bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục