Tài sản công là nguồn lực rất lớn, quan trọng của đất nước. Khai thác có hiệu quả nguồn lực này là một trong những định hướng lớn trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thế nhưng, chính sách quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn lực này chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Cần sắp xếp lại
Theo quan niệm chung, nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường... Tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Đây là lần đầu tiên chế định về “tài sản công” được hiến định, xác định cụ thể phạm vi tài sản công của quốc gia, chế độ sở hữu và trách nhiệm trong việc quản lý đối với tài sản công.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng, Nhà nước cho phép đầu tư theo hình thức đối tác công - tư Ảnh: CAO THĂNG
Đối tượng được giao quản lý, sử dụng tài sản công phải sử dụng tài sản đúng mục đích, công năng. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp, bố trí việc quản lý, sử dụng tài sản công hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy hoạch được duyệt; số tài sản dôi dư sau sắp xếp hoặc không còn phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị khác sử dụng hoặc bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Đơn vị được phép sử dụng tài sản Nhà nước giao vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm phát huy công suất, hiệu quả sử dụng nguồn tài sản sẵn có, gắn với việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài để cùng đầu tư phát triển, quản lý, khai thác tài sản, từ đó vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng thu nhập cho người lao động, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng, Nhà nước cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thực hiện dự án đầu tư, quản lý, vận hành công trình kết cấu hạ tầng; chuyển đổi phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý tự tổ chức khai thác sang hình thức chuyển nhượng quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Tổ chức, đơn vị, cá nhân có quyền khai thác, đồng thời chịu trách nhiệm bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật.
Đối với đất đai, hệ thống chính sách tài chính liên quan đến đất đai của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ, về cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho ngân sách nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đất đai theo Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, đã thống nhất chính sách tài chính đất đai với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; đưa tỷ lệ (%) đơn giá thuê đất về mức hợp lý để vừa động viên nguồn lực từ đất đai, vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất, kinh doanh. Cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất đã được hoàn thiện một bước, góp phần bảo đảm tính công khai trong quá trình Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Đối với tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, tài sản của các dự án, chương trình sử dụng vốn nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định thống nhất cơ chế quản lý, xử lý theo hướng xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm quản lý, xử lý; quy trình xử lý được đơn giản hóa để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tránh hư hỏng, bị xuống cấp đối với tài sản.
Những bước tiến về chính sách nêu trên đã đem lại những kết quả bước đầu quan trọng. Trong giai đoạn từ 2011-2015, thu từ đất đai bình quân đạt khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 10% thu ngân sách nhà nước; thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước: khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; thu từ xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản xác lập sở hữu nhà nước bình quân 1.000 tỷ đồng/năm; thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (chưa bao gồm cấp quyền thông qua hình thức đấu giá) khoảng 4.500 tỷ đồng/năm...
Nhà đất: tài sản lớn cần khai thác hiệu quả
Cho đến nay chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về tài sản công, với tư cách là một nguồn lực quan trọng. Việc thiếu cơ chế và dữ liệu thống nhất sẽ làm cho việc quyết định, chỉ đạo, điều hành và thực hiện khai thác nguồn lực thiếu chủ động, thiếu chiến lược và kế hoạch tổng thể, dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tổng giá trị nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện đi lại, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên tính đến ngày 31-12-2015 là 1.031.313 tỷ đồng (khoảng 47 tỷ USD). Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất là 700.230 tỷ đồng (khoảng 31,8 tỷ USD) trên tổng số 131.431 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất là 2.565.511.489m2. Các cơ sở này thường ở các vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Nhiều cơ sở nhà, đất mặc dù đã có quyết định bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện được do thiếu quy hoạch chi tiết, thị trường bất động sản chưa ổn định, trách nhiệm tổ chức thực hiện không cao.
Việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp để đơn vị được phép sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết còn chậm (mới giao tài sản cho 723 đơn vị, với tổng giá trị 21.000 tỷ đồng). Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, vừa hạn chế việc khai thác nguồn lực hiện có từ tài sản, vừa hạn chế việc thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho các lĩnh vực này để mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Thực tế rất khó khăn do thiếu nguồn lực để làm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa cân đối với chính sách thu và nguồn lực của ngân sách khi thực hiện dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án xã hội hóa. Ngoài ra, các nông, lâm trường đang quản lý diện tích đất khoảng 7.916.366ha nhưng phần lớn để hoang hóa, sử dụng lãng phí, không hiệu quả; trong khi người thực sự cần đất sản xuất thì phải đi thuê lại. Do vậy, giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là vấn đề rất quan trọng cần phải được nghiên cứu sâu để khai thác hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
TS TRẦN ĐỨC THẮNG
(Cục trưởng Cục Quản lý công sản)