Giải phóng Đà Nẵng

Trước sự phát triển nhanh chóng của chiến trường, ngày 24-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công vào Đà Nẵng với tư tưởng chỉ đạo “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và tất thắng”. Quân đoàn 2 và Quân khu 5 được lệnh tập trung lực lượng tiến công vào Đà Nẵng theo phương án địch ở tư thế rút chạy.

Sáng 28-3, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng. Pháo tầm xa của Quân đoàn 2 ở đèo Mũi Trâu dồn dập bắn vào sân bay ngụy, sân bay Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà. Pháo của Quân đoàn 5 bắn vào Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện. Bộ binh và xe tăng của ta từ ba hướng Bắc, Tây Nam và Nam tiến công mạnh mẽ quân địch trên đường thần tốc tiến về hướng Đà Nẵng.

Trên hướng Bắc, ngày 28-3, Trung đoàn 18 và Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường số 1, đánh chiếm ga Lăng Cô và đánh bại các đợt phản kích của địch, mở cuộc tiến công về Hải Vân, Đà Nẵng. 5 giờ sáng ngày 29-3, trung đoàn được tăng cường 1 đại đội xe bọc thép PT85 mở đợt tấn công quân địch tại đèo Hải Vân, đến khoảng 8 giờ, trung đoàn lên đến đỉnh đèo, sau đó chiếm kho xăng Liên Chiểu. 10 giờ sáng ngày 29-3, bộ phận đi đầu cánh quân phía Bắc đã đến ngã ba trung tâm thành phố. Được tự vệ thành Đà Nẵng hướng dẫn, tiểu đoàn 8 Trung đoàn 18, do Thượng úy Trần Minh Thiệt – Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, nhanh chóng tiến ra bán đảo Sơn Trà, cắm cờ Giải phóng lên căn cứ chỉ huy trên đảo vào lúc 11 giờ ngày 29-3-1975.

Trên hướng Tây Bắc, tối ngày 28-3, Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) và toàn bộ các đơn vị binh chủng tăng cường đã theo đường số 14 phá vỡ truyến phòng ngự của Sư đoàn 3 ngụy, vượt qua núi Phước Tường, Hòa Khánh, chiếm tòa thị chính Đà Nẵng vào lúc 13 giờ ngày 29-3.

Từ hướng Nam và Đông Nam, từ 9 giờ đến 10 giờ, Trung đoàn 38 thuộc Sư đoàn 2 cùng Trung đoàn 96 địa phương đánh chiếm các khu vực: Bà Rén quận lỵ Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước. Địch dùng máy bay ném bom sập cầu Bà Rén, Câu Lâu để ngăn chặn quân ta. Đảng bộ và nhân dân địa phương đã huy động các phương tiện chở bộ đội vượt sông để tiến công quân địch. Ngày 29-3, Sư đoàn 2, Quân khu 5 đánh chiếm căn cứ Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy và phát triển đánh vào sân bay Đà Nẵng.

Trên hướng Đông, 8 giờ ngày 29-3, phối hợp với quân chủ lực, lực lượng biệt động và tự vệ mật cùng nhân dân Đà Nẵng đã tiến công chiếm ty cảnh sát. Đến 15 giờ ngày 29-3, quân ta đã chiếm toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, kết thúc trận đánh then chốt quyết định, hoàn thành mục tiêu chiến dịch đặt ra.

TỔ THƯ VIỆN - TƯ LIỆU
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục