Đặc biệt, tập trung chú ý đối với các công trình cầu, phà, đường ven sông, kênh rạch, bến đò ngang… Tương tự là chủ động phòng ngừa cây xanh ngã đổ hoặc vị trí ngập úng và có nguy cơ sạt lở cao. Các đơn vị quản lý phải có biện pháp xử lý sự cố, tránh gây ùn tắc giao thông, ứng cứu kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Điều đáng quan ngại khác là khả năng mưa to, gió lớn xảy ra vào thời điểm triều cường, gây ngập úng cục bộ hoặc ngập trên diện rộng và trong thời gian dài.
Các đơn vị chức năng đã được yêu cầu chuẩn bị phương án phối hợp tổ chức lực lượng ứng cứu khẩn cấp mang tính cơ động cao, trang bị đầy đủ phương tiện chuyên dụng như máy bơm nước công suất lớn để giải quyết nhanh nhất tình trạng ngập nước sâu. Trách nhiệm của Công ty Công viên Cây xanh TPHCM là tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời và giải quyết nhanh các sự cố do cây xanh ngã đổ.
Đối với khu vực đang có rào chắn đào đường, các khu quản lý giao thông đô thị được khuyến cáo phải cùng chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện các biện pháp khơi thông dòng chảy, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và an toàn giao thông. Một khi phát hiện công trình không đảm bảo an toàn, có thể gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông, các khu quản lý giao thông đô thị phải yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục lập tức và xử phạt theo quy định. Yêu cầu đơn vị thi công phải có giải pháp xử lý thoát nước tạm thời, không để xảy ra ngập tại khu vực công trình đang thi công.
Khu Quản lý đường thủy nội địa và Cảng vụ Đường thủy nội địa được yêu cầu tăng cường kiểm tra và cảnh báo những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn tại các bến tàu khách, bến đò ngang, vị trí neo đậu tàu phà…
Sở GTVT TPHCM cũng lưu ý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo việc xe tải chở vật liệu xây dựng không làm rơi vãi khi lưu thông trên đường, bởi gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.