“Phân tích số liệu về hoạt động thương mại giai đoạn 2006 - 2011, có thể thấy xuất khẩu lan tỏa đến sản xuất tăng so với giai đoạn 2000 - 2005 khoảng 12% nhưng giá trị gia tăng giảm 13,3% và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Đặc điểm này dẫn đến tình trạng nhập siêu mạnh của nền kinh tế, đặc biệt trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc” - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh (ảnh) nhận định như trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Không chỉ là thành tích…
* PV: Thưa ông, nói như vậy có nghĩa việc nhập khẩu các loại hàng hóa tiêu dùng không phải là nguyên nhân chính gây ra nhập siêu như một số người lầm tưởng?
* Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH: Đúng vậy. Nguyên nhân chính của tình trạng nhập siêu không phải do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, bởi nhu cầu nhập hàng tiêu dùng chiếm chưa tới 10% trong tổng số nhập khẩu. Vấn đề chính ở chỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhập siêu cũng không hẳn không tốt nếu các hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên- nhiên- vật liệu... dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, rồi sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính, điện thoại và các loại linh kiện, hàng dệt may, giày dép lại mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng không nhiều. Tóm lại, nền sản xuất càng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập khẩu phần lớn chỉ để phục vụ cho xuất khẩu, và cuối cùng nền sản xuất trở thành “gia công toàn diện”.
* Điều này có vẻ trái ngược với “điều đáng mừng” thường thấy trong các báo cáo thống kê, khi mà dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào công nghiệp chế biến, chế tạo?
* Từ nhiều năm nay, tốc độ tăng trưởng và cơ cấu của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP luôn được coi là niềm vui hoặc nỗi buồn trong các báo cáo thành tích, hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học từ Trung ương đến địa phương. Xét về cơ cấu và tốc độ tăng trưởng, đóng góp của nhóm ngành công nghiệp trong GDP tăng từ 29% trong năm 2000 lên khoảng 33% trong năm 2012, trung bình mỗi năm tăng hơn 1% và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của nhóm ngành này từ năm 2000 - 2012 đạt trên 7%. Nếu chỉ nhìn vào những con số trên thì đây là thành tích đáng tự hào của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng nếu phân tích sâu hơn thì điều này còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng có chỉ số kích thích về nhập khẩu tăng lên theo thời gian. Đặc biệt một số ngành như ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng khác, công nghiệp chế biến nguyên vật liệu và công nghiệp chế tạo máy móc thiết bị trong giai đoạn hiện nay có ảnh hưởng về nhập khẩu cao hơn hẳn giai đoạn trước đó.
Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2007 đến nay đầu tư kích thích nhập khẩu nhiều nhất, đặc biệt là đầu tư công. Nếu đầu tư tăng thêm 1 đơn vị sẽ kích thích nhập khẩu đến 1,69 đơn vị. Điều này có thể thấy càng đầu tư không hiệu quả thì càng kích thích nhập khẩu mạnh. Những lập luận trên cho thấy không hẳn phá giá đồng Việt Nam đã có tác dụng kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Trong một số trường hợp điều này chỉ có lợi cho nước khác, như Trung Quốc, vì thâm hụt thương mại của Việt Nam chủ yếu là do sự trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Thêm vào đó, cần thấy rằng tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất giảm nhanh hơn tỷ lệ bảo hộ danh nghĩa (Nominal Rate of Protection - NRP). Tỷ lệ ERP giảm từ 21,4% trong năm 2005 xuống chỉ còn 3,87% vào năm 2010, trong khi bảo hộ danh nghĩa giảm từ 10% trong năm 2005 xuống 3,78% trong năm 2010. Điều này cho thấy chúng ta hội nhập một cách hối hả và chưa hợp lý. Trong khi nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có chỉ số lan tỏa kinh tế lớn và chỉ số nhập khẩu nhỏ, lẽ ra cần được ưu tiên thì lại có tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu ngày càng giảm, thậm chí một số ngành trong nhóm ngành này có tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu âm. Điều này dẫn đến những ngành có thể cạnh tranh đang mất dần sức do chính sách bảo hộ của chính Việt Nam, từ đó nhập siêu là việc không thể tránh khỏi. Như nhóm ngành chăn nuôi có chỉ số lan tỏa kinh tế và chỉ số kích thích nhập khẩu rất ấn tượng, nhưng tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu lại âm.
Định hướng lại cơ cấu đầu tư
* Vậy theo ông, phải chăng giải pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng nhập siêu chính là ưu tiên phát triển các nhóm ngành có độ lan tỏa kinh tế cao và ít kích thích nhập khẩu?
* Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nhập siêu kinh niên chính là do sự phát triển về số lượng nhưng mang nặng tính gia công của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gây ra, có nghĩa là nếu vẫn phát triển công nghiệp chế tạo như 10 năm qua thì tình trạng nhập siêu không thể chấm dứt. Xuất khẩu của nhóm ngành này thực chất chỉ là xuất khẩu hộ nước khác và càng xuất thì càng nhập. Cho nên điều cần làm hiện nay là tái cấu trúc nền kinh tế với hướng đầu tư có hiệu quả hơn. Trong đó, việc định hướng lại cơ cấu đầu tư là việc làm cần thiết nhất, theo hướng đầu tư vào những ngành có độ lan tỏa kinh tế cao và ít kích thích nhập khẩu. Kết quả từ nghiên cứu khuyến cáo rằng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không phải là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, mà nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế, nhóm ngành này không nên bị thu hẹp. Nhóm ngành này đóng vai trò quan trọng như một điểm tựa cho các lĩnh vực khác phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho 2/3 người dân trong cả nước.
* Còn trong trường hợp cụ thể của đối tác thương mại khá đặc biệt là Trung Quốc, vốn chiếm tới 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỉ USD trong năm 2013, thì giải pháp nào là phù hợp để có thể giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường này?
* Phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm sản xuất ra những nguyên vật liệu đang phải nhập khẩu rất lớn này và - trong trường hợp không thể tự làm - thì phải có sự tìm kiếm, so sánh chất lượng, giá cả để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.
Chính sách thuế và các hàng rào kỹ thuật cũng phải được “dựng” lên sao cho đảm bảo yêu cầu hội nhập, nhưng vẫn hỗ trợ được sản xuất trong nước. Muốn thế, cần chú trọng yêu cầu về chất lượng - đây chính là nhược điểm cốt tử của hàng hóa Trung Quốc.
* Cảm ơn ông!
CẨM HÀ (thực hiện)