
Cùng với việc hỗ trợ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, mới đây TPHCM bắt đầu mở rộng việc liên kết đào tạo nghề – giải quyết việc làm cho các tỉnh ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Giải bài toán chung: Thiếu lao động đã qua đào tạo nghề?
Chưa bao giờ thị trường lao động của TPHCM và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Đông và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại lên cơn sốt thiếu lao động trầm trọng như hiện nay. Để “chiêu mộ” lao động, các tỉnh, thành phố ở khu vực này đã tổ chức hàng loạt hội chợ việc làm với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.
Và để cạnh tranh thu hút lao động, các công ty, doanh nghiệp ở TPHCM cũng tung ra nhiều phương thức tiếp thị hấp dẫn như trả lương cao, bao ăn, ở, tăng số ngày nghỉ phép, nghỉ tết hàng năm… Thế nhưng, kết quả tuyển dụng cũng rất thấp.

Thực hành nghề điện lạnh tại Trường THKT nghiệp vụ Phú Lâm
Với tốc độ phát triển nhanh, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đang lâm vào tình cảnh nguồn nhân lực thừa cầu thiếu cung như TPHCM. Hàng loạt khu công nghiệp ra đời và nhiều doanh nghiệp mới thành lập, tỉnh Đồng Nai đang lâm vào cơn khủng hoảng thiếu 100 ngàn lao động thuộc các ngành nghề, trình độ.
Tương tự, tỉnh Bình Dương cũng cần tuyển trên 30 ngàn lao động có trình độ từ thấp đến cao. Mặc dù đã “trải thảm đỏ”mời gọi lao động từ khắp nơi đến, hai tỉnh này cũng không tìm đủ nguồn lao động kể cả lao động phổ thông, không nghề để cung ứng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng chung nỗi bức xúc này, ông Cao Văn Thu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Long An cho biết: “Tỉnh Long An thiết tha mời gọi đầu tư nước ngoài. Nhưng khổ nỗi nhà máy đã khánh thành rồi mà các nhà đầu tư không thể tìm ra lao động để đi vào hoạt động.
Để chữa cháy họ phải tuyển lao động là người Trung Quốc sang VN làm việc”. Trong khi nhu cầu tuyển lao động có trình độ, tay nghề của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều tăng thì các cơ sở dạy nghề của tỉnh Long An lại trở bộ không kịp.
Ông Thu cho biết thêm: “Do các cơ sở dạy nghề của tỉnh vừa nhỏ vừa lạc hậu nên bình quân mỗi năm tỉnh chỉ đào tạo được khoảng 1.000 lao động lành nghề (hệ dài hạn) trong khi đó các nhà đầu tư cần tuyển đến 20 ngàn lao động đã qua đào tạo nghề. Biết lấy ở đâu?”.
Trong xu thế phát triển chung, các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… cũng đang lâm vào cơn khủng hoảng thiếu nguồn lao động đã qua đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu cấp bách chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương. Trăn trở trước bài toán thừa lao động nông nhàn, thiếu lao động lành nghề ông Trương Ngọc Lý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng nói: “65% lao động của tỉnh là lao động nông nghiệp, chưa hề được phổ cập nghề.
Sắp tới, tỉnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại-du lịch-dịch vụ. Chúng tôi biết lấy đâu ra nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật, tay nghề, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu này trong khi các cơ sở dạy nghề của tỉnh đều ở trong tình trạng “suy dinh dưỡng” - vừa thiếu lại vừa yếu?”.
- Liên kết đào tạo - hướng mở nhanh và hiệu quả
Thực tế cho thấy muốn đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển thì cần một khoản kinh phí rất lớn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hiện đại. Thấy rõ “rào cản” đó nên các tỉnh đều chọn giải pháp “đi tắt đón đầu”, liên kết đào tạo nghề với TPHCM để có ngay nguồn nhân lực có nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Vào cuộc sớm nhất là tỉnh Đồng Nai. Trước mắt, tỉnh này đặt hàng TPHCM đào tạo 1.000 công nhân lành nghề nghề cơ khí. Ngoài ra, các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Định, Long An,… cũng đặt vấn đề sẽ liên kết đào tạo nghề với TPHCM.
Theo ông Cao Văn Thu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An thì việc liên kết đào tạo nghề giữa các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam không chỉ tháo gỡ khó khăn thiếu hụt lao động lành nghề, lao động đã qua đào tạo nghề của từng tỉnh mà còn góp phần điều tiết thị trường lao động ở khu vực vào mục tiêu phát triển chung.
Bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết thêm: Toàn TPHCM hiện có 250 cơ sở dạy nghề do TP và trung ương quản lý. Mỗi năm hệ thống dạy nghề này cho ra lò 30.000 công nhân kỹ thuật và 200.000 lượt lao động ngắn hạn.
Tuy nhiên, còn có rất nhiều trường và cơ sở dạy nghề ở TPHCM chưa khai thác hết công suất đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn. Vì thế, TPHCM sẵn sàng liên kết với các tỉnh khác đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề theo đơn đặt hàng của các tỉnh trong khu vực.
Theo đó, TP sẽ chọn những trường dạy nghề có năng lực, uy tín để đảm bảo việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, từ ngành cơ khí truyền thống đến các ngành kỹ thuật, công nghệ mới. Tuy mới khởi động nhưng chương trình liên kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm giữa TPHCM và các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm đang hé mở nhiều hy vọng.
Bởi lẽ, nếu giải được bài toán nguồn nhân lực, tạo động lực cho thị trường lao động trong khu vực phát triển thì các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát triển nhanh, bền vững.
KHÁNH BÌNH