Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực ở nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, kéo theo khả năng xảy ra tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng.
Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, khả năng xảy ra các tranh chấp thương mại cũng gia tăng (Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm được đầu tư sản xuất tại Việt Nam)
Gia tăng tranh chấp thương mại
Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ được các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhiều nhất chính là hàng Trung Quốc sẽ tràn qua Việt Nam, “đội lốt” hàng Việt gây nguy hại cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sức cạnh tranh hàng hóa tại thị trường nội địa nước ta sẽ ngày càng gay gắt, phức tạp bởi cuộc chiến thương mại nói trên. Đồng thời, số lượng hàng thừa khi Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ đẩy sang Việt Nam, chẳng hạn như xi măng, sắt, thép… Riêng mặt hàng thép, Trung Quốc phải chịu mức thuế rất cao nếu xuất khẩu sang Mỹ, nên có thể đưa sang nước ta để lấy xuất xứ Việt Nam. Thực tế, có một số doanh nghiệp thép của Việt Nam đã từng bị điều tra, áp thuế.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Viac), trên 40% doanh nghiệp FDI lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực thương mại, thay vì lựa chọn tòa án. Trong số các vụ tranh chấp được Viac tiếp nhận giải quyết, có khoảng 32% số vụ thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% vụ liên quan đến lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực Leasing (cho thuê tài chính). Các thông tin liên quan cũng chỉ ra rằng, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp phải cậy nhờ đến các trung tâm trọng tài ngày càng tăng.
Riêng tại Viac, tỷ lệ những vụ tranh chấp được tiến hành chủ yếu bằng tiếng Anh chiếm khoảng hơn 50%. Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Viac Vũ Ánh Dương cho biết, tỷ lệ tranh chấp nội địa có xu hướng gia tăng. Doanh nghiệp tìm đến các trung tâm trọng tài, trong đó có Viac cũng ngày càng nhiều hơn. Từ đó cho thấy các doanh nghiệp đang dần thay đổi cách nhìn khi nhận ra ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại để có sự lựa chọn phù hợp.
Phán quyết chung thẩm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển. Điều này được thể hiện rõ qua số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài ngày một tăng cũng như số lượng tổ chức trọng tài thương mại trên cả nước ngày càng nhiều. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích phát triển trọng tài thương mại và pháp luật về trọng tài ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng như tương đồng với pháp luật trọng tài quốc tế.
Phương thức trọng tài mang tính chất ưu việt và phù hợp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Bởi hoạt động thương mại luôn đòi hỏi phải nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả và trọng tài hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí này. Bên cạnh đó, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo và tiết kiệm thời gian cho các bên. Với trọng tài, các bên được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm phương thức giải quyết tranh chấp theo phương thức tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này giúp giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả quá trình giải quyết tranh chấp.
Phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Vì vậy, có giá trị bắt buộc đối với các bên không thể chống án hay kháng cáo. Việc xét xử tại trung tâm trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử. Đó cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với việc xét xử tại tòa án. Thông thường, xét xử tại tòa án diễn ra ở nhiều cấp, như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… Còn phán quyết của trọng tài có giá trị thi hành ngay sau khi công bố và được Nhà nước đảm bảo thi hành thông qua cơ quan thi hành án. Điều này được quy định cụ thể tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó, “Những bản án, quyết định được thi hành theo luật này bao gồm: e) Phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng chỉ ra rằng, phạm vi thi hành phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định của tòa án. Nhưng trọng tài đã có Công ước New York năm 1958, đến nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên. Việt Nam cũng là thành viên của công ước này, nên phán quyết của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành tại các nước khác là thành viên của Công ước New York. Từ những ưu điểm trên, trọng tài thương mại được đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới.