
Ngày 5-5-2005, báo SGGP tròn 30 tuổi. Dịp này báo sẽ tổ chức một đại lễ mừng 30 năm miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, chia vui với đồng nghiệp trong ngày sinh của mình, cũng là dịp SGGP tỏ lời cảm ơn tới những CTV, những người bán báo và mua báo, những người đã đi theo SGGP suốt chặng đường thăng trầm của mình. Và sẽ có những giải thưởng rất lớn để tri ân.
- Người mua báo = người nuôi sống tờ báo
Có những điều thật giản dị nhưng không hẳn ai cũng rõ. Người ta dễ hiểu rằng phóng viên, biên tập viên, họa sĩ… là quyết định số phận tờ báo. Nhưng lại không biết giống như một người nấu ăn cứ cho rằng món mình nấu ngon – nhà báo cứ cho rằng văn mình hay, mà quên đi “thực khách” mới là người phán xét – khen chê, thậm chí quyết định “ăn, không ăn” – với báo là đồng nghĩa mua - không mua. Vì vậy, không nói nịnh chút nào, người mua báo chính là người nuôi sống tờ báo.

Phát hành báo SGGP Xuân Dương lịch 2005.
Ảnh: LIÊN HƯƠNG
Tất nhiên các cơ quan nhà nước thành phố, quận, huyện mua báo Đảng không chỉ là một hình thức đóng góp ngân quỹ cho tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu vang rộng, vang xa hơn mà còn là một niềm động viên khích lệ lớn lao để tờ báo đứng vững và xung trận. Nhưng còn những cá nhân đơn lẻ thì sao khi mỗi ngày họ mỗi đọc và góp 1.200 đồng cho SGGP?
Chúng tôi có trong tay danh sách rất nhiều người đã liên tục mua báo SGGP suốt từ ngày tờ báo ra đời đến nay. Và như thế có nghĩa là 30 năm qua, ngày nào họ cũng đọc SGGP, có nghĩa là nếu ngày Sài Gòn được giải phóng cũng là lúc họ bắt đầu làm quen với Báo SGGP, nếu lúc đó họ là một thanh niên thì nay đã có thể ở tuổi “tri thiên mệnh”.
Còn nếu lúc đó 40 tuổi thì nay đã “thất thập cổ lai hi”. Và số tiền mà họ góp trong 30 năm cho SGGP đã là một con số đáng kể. Và thực ra họ cũng đâu có đơn lẻ, họ là một con số cộng từ tất cả mọi miền đất nước mà nếu tính sơ bộ, họ góp cho SGGP, chỉ tính riêng tờ nhật báo (Báo SGGP có 5 ấn phẩm) trong 30 năm ước gần 1.500 tỷ đồng. Đó là quán tính hay là sự tin cậy và cảm tình?
Đại diện cho những người 30 năm gắn bó với SGGP, cụ Hàng Tinh, ngoài 70 tuổi, ở quận 5 nói: “Tôi mua SGGP từ số đầu tiên, hiện tôi vẫn còn giữ cẩn thận số báo đó, và liên tục mua cho tới giờ. Sự chuẩn mực và chính xác của tờ báo chính là sự lựa chọn của tôi”.
Cứ nhớ tới hình ảnh một anh xích lô ngày nào sau giờ tan tầm chiều cũng đều đặn ghé mua 1 tờ SGGP, hay T.S Đỗ Văn Lương nay đã 84 tuổi, ở 83/3B Quang Trung, Gò Vấp, mắt mờ không đọc được mà cứ dứt khoát yêu cầu vợ cho “điểm tâm” SGGP hàng ngày… là những người làm báo SGGP lại rất xúc động nghĩ, có những người yêu báo như vậy, mình không thể phụ lòng.
- Người bán báo = Cơ quan kinh tài cho báo
Nói như thế là có cái lý của nó. Chính người đi bán báo là người hàng ngày đem từng đồng về cho tờ báo. Dù nắng, dù mưa, dù phải đi tới những hang cùng ngõ hẻm, có nơi chưa có số nhà… họ vẫn tìm cách giao báo tới tận tay bạn đọc. Họ chính là cầu nối không thể thiếu về tài chính và cả thông tin giữa báo và bạn đọc.
Ngay từ thời bao cấp, bước chân những người giao báo SGGP đã đi khắp Bắc – Trung – Nam. Và cũng như những người mua báo, những đóng góp của họ thật đáng trân trọng. Có người như cụ bà Thu Vân nay đã 74 tuổi hay cụ ông Lưu Văn Chúc, ở 79 Bùi Thị Xuân, quận 1, từ 30 năm nay, sáng sớm nào cũng lóc cóc đạp xe đạp đi bỏ báo SGGP.
Còn ông Nguyễn Ngọc Lai, nhà ở 177/6C Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh lại có cái khác. Lúc tôi và ông gặp nhau, 2 thằng thanh niên đều say báo, tôi thì muốn viết báo, còn ông thì muốn làm những “sô” lớn, muốn “đứng cái” bán báo. Bây giờ tóc ông đã bạc nhiều, đầu đã hói. 30 năm rồi còn gì! Chẳng hiểu ông có giàu có gì không, nhưng cái mộng xưa chắc cũng đạt được đôi phần. Và nếu bằng vào đó để làm một phép tính thì ông cũng góp sức thu cho SGGP bộn bạc.
30 năm nay hàng ngày ông tham gia phát hành (tính riêng nhật báo SGGP) khoảng 3.000 số. Có nghĩa là hàng chục năm nay ông thu về cho SGGP trên dưới 40 tỷ đồng. Đúng không? Đúng đấy, và như thế là còn chưa kể đến việc ông phát hành SGGP Thể thao. Với Công ty Viễn thông Quân đội, Công ty Phát hành Báo chí TƯ, các bưu điện, công ty phát hành báo tỉnh, thành… cũng tương tự.
- Họ rất đáng được tri ân
Sẽ có một lễ hội dành cho những người mua báo và bán báo. Vâng, với những đóng góp bằng cả sức lực và tài chính, những người mua báo và bán báo đã góp phần cho báo SGGP phát triển đi lên. Và như vậy, tất nhiên báo SGGP phải tri ân họ.
Theo ban tổ chức lễ hội 30 năm báo SGGP, đúng ngày 5-5 (2005) ngày 30 năm trước báo SGGP ra số đầu tiên, đại lễ sẽ được tổ chức tại Dinh Thống Nhất. Và trong buổi lễ tưng bừng này, những cộng tác viên, những người bán báo, mua báo sẽ được tôn vinh. Sẽ có những giải thưởng lớn cho những người mua báo SGGP lâu nhất, phát hành lâu nhất, nhiều nhất cho báo SGGP. Và kể cả phần thưởng cho những gia đình gắn bó lâu năm với báo SGGP…
Cũng trong lễ hội này, Ban tổ chức còn trích từ tiền đóng góp mua báo của bạn đọc để tổ chức một chương trình bốc thăm trúng thưởng cho những người mua SGGP nguyên năm. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng. Và còn một giải thưởng rất đáng trân trọng dành cho những người có những ý kiến đóng góp xây dựng báo SGGP (cuộc thi sẽ bắt đầu vào tháng 1 và khóa sổ vào tháng 3-2005), 10 triệu đồng dành cho người đoạt giải nhất cuộc thi này.
Ngày lễ cận kề trước mắt, Tết sắp đến rồi, nhân đây báo SGGP gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các cơ quan, ban ngành và mọi nhà đã ủng hộ báo SGGP đi lên. Chúc mối quan hệ của chúng ta ngày một tốt đẹp và chúc báo SGGP luôn đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc.
NGHIÊM MINH