Giải thưởng văn học cho thiếu nhi: Ươm mầm cho những vụ mùa bội thu

Đã một thời gian dài chưa có tác phẩm hay chạm vào tâm trí bạn đọc nhỏ tuổi, thậm chí nhiều người còn cho rằng văn học thiếu nhi nằm “bên lề” văn học người lớn. Tại thời điểm này, với sự ra mắt của Giải thưởng Văn học Kim Đồng, Giải thưởng Sách thiếu nhi TPHCM và trước đó là Giải thưởng Dế Mèn, văn học dành cho trẻ em đã có cơ hội bứt phá.
Học sinh đọc sách tại Thư viện Tô Hoài (Hà Nội)
Học sinh đọc sách tại Thư viện Tô Hoài (Hà Nội)

“Mảnh đất” bị lãng quên?

Sáng tác cho thiếu nhi lâu nay vẫn luôn là thách thức đối với người cầm bút. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn nhận: “Lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi, lúng túng khi chạm vào văn học thiếu nhi. Họ mang vào trang viết cho thiếu nhi sự cồng kềnh của người lớn, trong khi viết cho thiếu nhi lại cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu”.

Nhà văn Trần Đức Tiến, tác giả được yêu quý gắn với tên gọi “nhà văn của thiếu nhi” cũng cho rằng, dường như các nhà văn lớp trước chú trọng đến việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, nên tác phẩm của họ có phần thiếu đi sự hồn nhiên, tươi tắn. Lớp nhà văn trẻ hiện nay chú ý nhiều hơn đến tính giải trí, nên thông điệp trong tác phẩm của họ đến với bạn đọc một cách hồn nhiên, tự nhiên hơn và cũng chính vì thế, đọng lại lâu dài hơn trong tâm trí các em.

Cũng chung cảm nhận này, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, văn chương Việt đang “lý tưởng quá”, vừa là điểm tốt nhưng cũng là hạn chế. Văn chương phải sát với thực tế, không thể thiếu những mặt trái. Bởi có khi viết về những điều xấu xa nhất lại giúp con người rút ra được nhiều kinh nghiệm sống.

Không có các giải thưởng đương nhiên nhà văn vẫn viết, vì niềm đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề. Nhưng rõ ràng, giải thưởng cũng tạo ra sự khích lệ với nhà văn, vì họ được công nhận nỗ lực làm nghề, đem lại niềm vui cho các nhà văn, nhất là những người viết cho thiếu nhi. “Giải thưởng văn học thiếu nhi càng nhiều càng tốt. Giải thưởng góp phần khích lệ, nuôi dưỡng tài năng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định.

Phải biết cách “sống chung với lũ”

Theo nhà văn Nguyễn Đức Tiến, những năm gần đây, tác giả viết cho thiếu nhi không ít, sách xuất bản cho thiếu nhi cũng nhiều, trong đó có nhiều cuốn hay và đáng đọc, song vấn đề nằm ở chỗ các em có đọc hay không? Trong thời kỳ công nghệ số, để cạnh tranh với bao loại hình giải trí hấp dẫn khác như trò chơi điện tử, phim ảnh… là thách thức lớn đối với người cầm bút, đặc biệt là của những nhà văn, nhà thơ sáng tác cho trẻ em.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - một trong những cây viết có nhiều tác phẩm trong danh sách bestseller (bán chạy nhất - PV) của văn học thiếu nhi, cho rằng đây là thời điểm người viết phải nhìn nhận đúng để thích nghi.

Các tác giả nhận giải thưởng dế Mèn lần thứ 4-2023

Các tác giả nhận giải thưởng dế Mèn lần thứ 4-2023

Ông nhận định, thời gian mỗi ngày vẫn chỉ có 24 giờ, nhưng thời gian trẻ em dành cho sách dường như ít hẳn so với trước đây. Các em dành mối quan tâm của mình cho những hoạt động hấp dẫn, thú vị hơn và những nhà văn hiện nay phải thực lòng chấp nhận một thách thức khi đối mặt với những loại hình giải trí hấp dẫn khác.

“Chúng ta không thể chống lại sự phát triển của xã hội, phải thích nghi với nó như sống chung với lũ. Nhà văn phải sống chung với những thách thức để tạo nên những tác phẩm hay hơn nữa, đặc biệt là những tác phẩm dành cho trẻ em”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

“Người viết và người làm sách cũng không thể mãi đi theo lối mòn. Chúng ta cần tác phẩm có giá trị, để trẻ con vừa xếp hàng mua truyện tranh Nhật Bản, nhưng cũng cần tác phẩm Việt Nam hội đủ yếu tố công nghệ, nhân văn để các em thấy cuốn sách thực sự là bạn”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói. Việc giáo dục trẻ không phải quá trình một chiều, không thể áp đặt, nên một cuốn sách chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được các em đón nhận và yêu thích.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, số lượng bán sách không phải giá trị thật, chính xác hoàn toàn, nhưng so với các tiêu chuẩn khác thì nó đáng tin cậy hơn cả. Ông kỳ vọng, Giải thưởng Văn học Kim Đồng tới đây sẽ tìm ra được những tác phẩm tốt để có được những cuốn sách không bị “ế”!

Chiều 31-5, tại Hà Nội, Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức trao Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4-2023. Năm nay, lĩnh vực văn học thắng lớn với số lượng các tác phẩm chiếm áp đảo. Giải thưởng lớn mang tên “Hiệp sĩ Dế Mèn” được trao cho nhà văn Trần Đức Tiến vì những cống hiến xuất sắc cho thiếu nhi trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Bốn giải đồng hạng mang tên “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho: Chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn); Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng); Ở một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo truyện dài của Mộc An); Vua ngan xóm hồ (bản thảo truyện dài của nhà văn Uông Triều). Ban tổ chức cũng trao 2 tặng thưởng cho Nghé ọ Hai Xoáy (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books); Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi)

Cùng ngày, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trao giải thưởng và khai mạc triển lãm Tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2023. Sau hơn 2 tháng phát động, ban tổ chức nhận được 38.125 bức tranh của 515 đơn vị trường học, nhà văn hóa thiếu nhi, các trung tâm mỹ thuật. Hội đồng nghệ thuật sơ chọn đã chọn được 1.458 bức tranh vào vòng chung khảo và trao giải thưởng cho 39 cá nhân, 10 tập thể có thành tích xuất sắc.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục