Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2015: Yêu học trò bằng cả trái tim

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2015: Yêu học trò bằng cả trái tim

Để mỗi giờ học thêm thú vị, có những thầy, cô giáo không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để trau dồi chuyên môn, đem đến cho học trò những bài học hay, dụng cụ trợ giảng trực quan, sinh động. Bất kể ngày nắng hay mưa, học sinh bình thường hay trẻ khuyết tật; từng ngày, từng giờ, các thầy cô giáo dồn hết tình yêu thương, trí tuệ để ươm những mầm xanh cho tương lai của đất nước.

Hết lòng vì trẻ khuyết tật

“Kể từ ngày mình rời bỏ trường cũ để về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu giảng dạy, nhiều bạn bè cứ bảo mình “không thực tế”, “sống trên mây”… Nhưng kệ, mình thích là được. Vậy mà, mới đó đã 13 năm…”, cô Nguyễn Thị Ngọc Hân thổ lộ.

Trước khi về trường gần một năm, cô Hân theo học chữ nổi và các khóa sư phạm chuyên biệt. Vậy mà không quen được, đọc chữ nổi nhiều đến nỗi mắt lên độ. Đến khi đi dạy còn phải học lại từ học trò, hết học kỳ đầu tiên mới thành thạo. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô là khi dạy môn vẽ. Lúc đó, cô vẫn theo thói quen dạy cho học sinh bình thường nên khi áp dụng với học sinh khuyết tật, dạy mãi các em chẳng vẽ nổi một đường thẳng. Trăn trở, về nhà, cô thử bịt mắt đóng vai học sinh khiếm thị, nhờ chồng giúp vai trợ giảng để tập vẽ… Rồi cô nhờ các đồng nghiệp đi trước chỉ dẫn sử dụng bảng lưới, học sinh của cô mới vẽ được những nét thẳng đầu tiên.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân hướng dẫn học sinh tập vẽ

“Vui lắm, mừng lắm khi thấy các em tiến bộ. Có nhiều em nay đã ra trường nhưng vẫn gọi điện thoại về hỏi thăm. Lúc đó mình mới thấy thành quả mà bản thân sau nhiều năm cố gắng tạo dựng. Vì thế, có nhiều nơi tạo điều kiện mời mình về công tác nhưng vẫn quyết định ở lại, đôi khi còn thuyết phục người bên ngoài về trường giảng dạy nữa. Tất nhiên, đôi lúc cảm thấy thiệt thòi hơn các đồng nghiệp bên ngoài khi không thể sáng tạo bằng các phương pháp gắn với vi tính, internet... nhưng dần dần cũng thấy quen”, cô Hân tâm sự.

Song song với giảng dạy, cô Hân còn chủ động học hỏi chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài. Kiến thức học được rất nhiều, nhưng cũng phải sàng lọc cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.  Cô Hân cho biết, ở nước ngoài, trẻ em khuyết tật được hỗ trợ y tế từ nhỏ, tập đi - đứng - nằm - ngồi rồi mới chuyển qua giáo dục. Ở Việt Nam thì rất khó khăn, giáo viên phải vừa dạy kiến thức, vừa dạy kỹ năng sống cho các em, áp lực nặng nề hơn rất nhiều. Phần vì cơ sở vật chất thiếu thốn nên ít giáo viên muốn vào trường giảng dạy.

Công việc ở trường đã nhiều, cộng thêm công việc gia đình, chăm lo hai con nhỏ gần như nuốt trọn khoảng thời gian ngắn ngủi của cô ở nhà. “May mắn tôi còn có ông bà và chồng chia sẻ công việc. Bản thân mình thấy vậy là đủ, là hạnh phúc, chẳng đòi hỏi gì thêm. Chỉ mong các em học sinh khuyết tật có thêm những hỗ trợ từ xã hội, xóa bớt đi mặc cảm vì khuyết tật của bản thân”, cô Hân chia sẻ thêm.

Học trò là động lực sáng tạo

Gần 15 năm gắn bó với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, thầy Bùi Hồng Phong tâm sự rằng kỷ niệm với nghề, với học sinh chất chứa nhiều không kể xiết: “Năm 2001, mình ra trường và hăm hở về đây công tác. Ước mơ cháy bỏng ngay từ khi còn đứng trong giảng đường đại học là được cầm tay, chỉ việc cho từng em học sinh”.

Nhưng nhiệt huyết, đam mê không kéo dài được lâu trước thực tế rằng không phải tất cả học sinh đều ngoan, chăm học. Chuyện chọc phá “thầy trẻ” xảy ra như cơm bữa. Nhiều em bước vào trường nhưng chẳng hình dung được mình học gì, chọn nghề gì cho tương lai. Cũng không ít em đi học với tâm thế “có đuổi cũng chẳng sao” vì học là chuyện bị gia đình ép buộc. “Dĩ nhiên, vị trí của người thầy cho phép mình thị uy và trút giận trước cái sai của các em. Khi những giờ học trên lớp trở thành những giờ lý thuyết rỗng tuếch, tình cảm thầy trò nguội lạnh dễ khiến mình chán nản. Đã có lúc mình như muốn từ bỏ nghề giáo”, thầy Phong nhớ lại.

Thầy Bùi Hồng Phong hướng dẫn sinh viên thực tập trên mô hình tủ điện do chính thầy nghiên cứu thiết kế

“Bỏ qua cái tôi quá lớn mà hiểu học sinh”, đó là lời động viên chân thành của những người thầy, người anh đi trước mà sau này nghiệm lại, thầy Bùi Hồng Phong coi đó như bài học nằm lòng. Quả thật, khi bỏ qua tất cả, tìm hiểu cặn kẽ từng cái sai của học sinh mới thấy có thể thông cảm được. Thầy Phong cho rằng: “Chính sự đồng cảm là chất keo gắn bó tình thầy trò bền chặt. Các em thương mình, mình cũng có động lực để phấn đấu dạy thật tốt. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, mình còn dạy cho các em kỹ năng sống, dạy tình yêu nghề nghiệp”.

Xác định việc học của học sinh ở trường là học nghề, thực hành nhiều hơn lý thuyết, nên thầy Phong không ngừng sáng tạo các thiết bị, mô hình thực nghiệm. Hàng loạt các mô hình khoan tự động, mô hình thực tập trang bị điện, tủ điện điều khiển tự động... giúp cho giờ học trực quan, sinh động hơn. Học sinh dễ nhớ, dễ thuộc và tiếp cận công việc nhanh trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Giờ đây, trên cương vị mới là quản lý khoa, trách nhiệm trên vai thầy càng nặng nề gấp bội. Không chỉ đảm đương các giờ giảng dạy trên lớp, thầy Phong còn miệt mài tìm kiếm đầu ra cho hơn 300 học sinh.

Dễ nhận thấy, ở mỗi bậc học, mỗi đối tượng học sinh có những khó khăn riêng. Nhưng ở những người thầy, người cô mà chúng tôi gặp, như cô Huỳnh Thị Kim Nên (Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình), cô Nguyễn Thị Hương (Trung tâm Giáo dục quận Phú Nhuận), thầy Lư Thị Hoa (Trường chuyên biệt Niềm Tin) hay cô Nguyễn Thị Thanh Giang (Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật TPHCM)… tất cả đều sống và giảng dạy với trọn tình yêu và trách nhiệm. Các thầy, các cô mang tâm niệm tình yêu học trò đồng thời là trách nhiệm, kết quả học tập của các em là niềm vui của riêng mình.

Sau 15 năm giảng dạy tại Trường THPT Đa Phước, cô Nguyễn Thị Nha Trang được điều chuyển nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh. Có chút luyến tiếc khi phải xa môi trường quen thuộc, xa các em học sinh quý mến và xa cả thói quen giảng dạy để làm công tác quản lý. Dù vậy, cô luôn nghĩ rằng nhiệm vụ nào, ở đâu cũng là đóng góp cho ngành giáo dục của địa phương. Môi trường giáo dục thường xuyên khác rất nhiều so với môi trường phổ thông. Ở trung tâm mọi thứ đều thiếu thốn. Địa điểm giảng dạy phải mượn nhờ vài phòng học trống của Trường THCS Nguyễn Văn Linh. Đội ngũ giảng dạy có 7 người, thì chỉ có 3 giáo viên cơ hữu, còn lại là các chuyên trách giáo dục địa bàn. Các đồng nghiệp đều là giáo viên cấp 2 nhưng phải dạy trái bậc học. Thời gian giảng dạy cũng ngặt nghèo. Dạy ban đêm nhưng các cơ sở của trung tâm cách xa nhau. Nhiều khi cô và các bạn phải di chuyển hơn chục cây số trên đoạn đường vắng vẻ, nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng.

Lúc mới về nhận nhiệm vụ phó giám đốc trung tâm, phụ trách chuyên môn, cô nhìn thấy nhiều vấn đề cần phải thay đổi, trước hết phải chuẩn hóa lực lượng giảng dạy. Khó nhất vẫn là đồng lương giảng dạy thấp quá, chừng 15.000 đồng/giờ. Thật may mắn vào lúc đó, nhiều thầy cô ở các trường mà cô từng giảng dạy cũng nặng tình nghề và sẵn sàng nhận lời ra công tác tại địa phương. Cùng với đó, đội ngũ sư phạm nhà trường không ngừng cố gắng đổi mới phương pháp, chương trình cho phù hợp với các em học sinh. Nhờ đó, chỉ khoảng 3 năm, trung tâm đã nâng hiệu suất đào tạo cũng như tỷ lệ tốt nghiệp, năm sau cao hơn năm trước, góp phần để trung tâm tạo được niềm tin với chính quyền địa phương và cha mẹ học viên.

Từ năm 2011 đến nay, cô nhận nhiệm vụ giám đốc trung tâm. Công tác quản lý thêm nặng nề, thêm nhiều trăn trở khi điều kiện học tập và giảng dạy của thầy cô và học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi thế, sau 22 năm gắn bó với nghề giáo, với cô, phần thưởng lớn nhất chính là việc có nhiều học sinh chăm ngoan và thầy cô có điều kiện sống tốt hơn bây giờ nữa.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục