Kinh tế thế giới và trong nước đang dần phục hồi. Và với tiềm lực sẵn có, cộng thêm hàng loạt giải pháp tích cực đang từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại của cả nước; đầu mối trung chuyển, giao thương quốc tế của khu vực. Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa cho biết:
Năm 2014, dự báo sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ rõ rệt hơn do tác động tích cực từ nền kinh tế thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư; dư địa của chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cuối năm 2013. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, phong phú, mặt bằng lãi suất từng bước được điều chỉnh giảm, lãi vay hiện nay phổ biến từ 9% - 12%/năm, các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; tỷ giá USD/VND không có biến động lớn. Môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nước nói chung và TP nói riêng tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Các thể chế, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện theo hướng tinh gọn. TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và triển khai đầu tư trên địa bàn.
° Phóng viên: Vậy bước sang năm mới, ngành công thương TPHCM đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại như thế nào để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
° Đồng chí LÊ VĂN KHOA: Trước mắt, TP tập trung mọi nỗ lực để chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nhằm tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Từng bước đưa TP trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại của cả nước; đầu mối trung chuyển, giao thương quốc tế của khu vực. Đặc biệt, phát huy thế mạnh các ngành sản xuất chủ lực, khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành sản xuất không gây ô nhiễm và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục hỗ trợ phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm. Đẩy mạnh các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn. Bên cạnh đó, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp chế tạo phát triển; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo hướng phát huy nội lực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin TP. Đẩy mạnh thiết kế, chế tạo vi mạch tích hợp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thành phố trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có; tăng hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, khai thác tốt thị trường nội địa, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động «Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Chương trình bình ổn thị trường; nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, chủ động theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trong và ngoài nước.
° Theo ông, những giải pháp trọng tâm nào đang được ngành công thương TP thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng?
° Tiếp tục và tăng cường công tác tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ. Thông tin, giới thiệu và hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp… Đây là nhiệm vụ, động lực chính để thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp. Lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, làm đầu mối kết nối các ngân hàng trên địa bàn với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp theo quy định hiện hành nhằm duy trì và mở rộng sản xuất. Đồng thời, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2014 để kết nối phát động các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng, sản xuất. Triển khai Chương trình kích cầu của thành phố; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế sử dụng công cụ tài chính này làm đòn bẩy để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn TP thực hiện đầu tư đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất theo đúng định hướng đã đề ra của TP, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP.
Cảm ơn ông.
LẠC PHONG (thực hiện)