Giảm kẹt xe: Cần quyết sách đột phá

Nếu hỏi người dân TPHCM mỗi khi ra đường sợ điều gì nhất thì câu trả lời chung, ẩn chứa nỗi niềm ngán ngẩm nhất chính là sợ kẹt xe? Quả thật nỗi ảm ánh về nạn kẹt xe đang bao trùm, đè nặng lên cuộc sống của người dân ở TP. Kẹt xe gia tăng không chỉ làm tắc nghẽn giao thông, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống đô thị.

Nếu vài năm trước đây, kẹt xe chỉ bị khoanh vùng, đánh dấu ở vài chục điểm đen hay giao lộ thường xuyên tắc nghẽn giao thông thì bây giờ nó lan tỏa khắp các tuyến đường, len lỏi vào các con hẻm nhỏ - đường “thoát hiểm” phụ. Những tháng gần đây khi “lô cốt” giăng mắc tràn lan thì căn bệnh ùn tắc, kẹt xe càng trở nên trầm kha hơn. Cứ mỗi lần thoát khỏi nút thắt kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền hoặc thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, kẹt xe, người lao động sẽ bị hao tổn về sức khỏe, tinh thần mệt mỏi, dễ cáu gắt, bực bội… Điều này không chỉ dẫn đến hệ lụy khó lường về mặt xã hội, lối sống mà còn làm giảm hiệu suất làm việc của người lao động.

Theo các chuyên gia, hệ số ùn tắc giao thông ở TP đã vượt mức cho phép từ 11 đến 23 lần. Nếu không có giải pháp cấp bách, khả thi ngăn chặn thì chỉ vài năm nữa, người và xe cộ sẽ nhích từng tí một chứ không thể gọi là lưu thông được.

Vì sao vấn nạn “chống + giảm kẹt xe” ở TP đã được cảnh báo, xới lên rất nhiều lần với nhiều giải pháp được các sở, ban ngành chức năng đưa ra bàn thảo, thí điểm thực hiện một cách quyết liệt nhưng cuối cùng kết quả luôn đi ngược với mong muốn? Điển hình nhất là giải pháp hạn chế xe cá nhân, tăng cường xe buýt đang bị phá sản vì xe gắn máy tăng vọt, còn tỷ lệ người đi xe buýt thì dậm chân ở mức khiêm tốn 5,4%. Đó là chưa kể các dự án phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt vừa và nhỏ, hệ thống tàu điện ngầm… được TP bàn thảo rất nhiều nhưng chậm triển khai và đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy (!?). Trách nhiệm này thuộc về ai?

Từ thực tế đáng báo động về nạn kẹt xe ở TPHCM, mới đây Hội Cầu đường cảng TPHCM đã tổ chức hội thảo “Hạn chế ùn tắc giao thông - Những giải pháp khả thi trung và ngắn hạn trong điều kiện hiện nay của TPHCM”. Với cách nhìn mới và đưa ra những luận điểm được xem là khả thi, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp đồng bộ cần phải làm ngay như “giảm đèn xanh, đèn đỏ, thực hiện bùng binh hóa các giao lộ…”.

Mổ xẻ thực tế, các chuyên gia, nhà khoa học đều nhấn mạnh đến giải pháp cấp thiết - sống còn là hạn chế xe gắn máy càng sớm càng tốt và phát triển nhanh hệ thống vận tải hành khách công cộng phù hợp, tiện ích. Rõ ràng chủ trương phát triển ngành công nghiệp xe máy vừa qua không chỉ là sai lầm nghiêm trọng mà nó còn khiến cho việc giải bài toán giao thông thêm rối rắm, khó gỡ. Cứ kiểu làm chắp vá, thiếu phối hợp đồng bộ và nhất là thiếu chỉ dẫn xuyên suốt của một cơ quan điều hành các phương tiện giao thông như hiện nay thì chúng ta không thể nào giải được bài toán phát triển giao thông đô thị theo hướng hiện đại, kéo giảm dần nạn ùn tắc giao thông.

Mong rằng những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia lần này được TP và các ngành chức năng nghiên cứu, áp dụng vào thực tế nếu thấy phù hợp và khả thi. Như vậy, để cải thiện bức tranh giao thông đô thị, lãnh đạo TPHCM phải có ngay quyết sách mang tính đột phá, trong đó vừa thực hiện những giải pháp ngắn hạn khả thi trong điều kiện hiện nay của TP, vừa phải triển khai nhanh những dự án đầu tư trung và dài hạn phát triển mạng lưới giao thông công cộng với nguồn vốn ưu tiên hàng đầu.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục