Giám khảo trước công chúng

Có một thành phần rất quan trọng không thể thiếu vắng trong bất cứ cuộc thi nào, đó là giám khảo. Là người cầm cân nảy mực đánh giá chất lượng, trình độ người dự thi, giám khảo cần có các tố chất cần thiết như công bằng, vô tư, khách quan, am hiểu nghiệp vụ chuyên môn… Giám khảo vừa là người thầy vừa là người bạn nên cần có thái độ hòa nhã, thân thiện, chững chạc, đứng đắn, tạo được tín nhiệm và tính thuyết phục đối với các thí sinh và quần chúng theo dõi cuộc thi.
 
Riêng trong lĩnh vực ca nhạc, thời gian qua đã có khá nhiều cuộc thi có quy mô lớn như Sao mai điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Vietnam Idol, Gia đình tài tử, Cặp đôi hoàn hảo… và hàng trăm hàng ngàn cuộc thi khác ở khắp các tỉnh thành, thị trấn, quận huyện… trong cả nước. Ban tổ chức các cuộc thi này đã cố gắng căn cứ vào những tiêu chí trên để mời các văn nghệ sĩ có tài năng, có uy tín tham gia vào ban giám khảo. Và số đông các thành viên giám khảo cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ cầm cân nảy mực của mình theo các tố chất cần thiết nêu trên. Từ đó, một số cuộc thi đã tạo được tiếng vang sâu rộng trong quần chúng và ngày càng thu hút mạnh mẽ các thí sinh cả nước tham gia.

Qua đánh giá của giám khảo, nhiều thí sính đoạt giải cao trong các cuộc thi này bước đầu vững tin đi vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, một số thí sinh đoạt giải đã trở thành những diễn viên nổi tiếng trên sân khấu, làn sóng phát thanh, màn ảnh truyền hình… được đông đảo quần chúng ngưỡng mộ.
 
Bên cạnh những cái được, cũng có nhiều điều chưa được xung quanh vai trò của giám khảo. Giám khảo là người do ban tổ chức mời, thế nhưng do việc chọn lựa thiếu cân nhắc, nên đã có một số giám khảo không làm tốt nhiệm vụ được giao. Có người yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng cũng có người là nghệ sĩ có tài nhưng không có uy tín trong đạo đức nghề nghiệp, có người lại thiếu tinh thần khách quan, vô tư, công bằng, châm chước người quen, nâng đỡ “gà nhà”…. Thậm chí có giám khảo không giữ phong cách văn hóa, nói năng thiếu cân nhắc, có lúc đến mức bừa bãi.

Trước đây, đã có trường hợp bị phản ứng quyết liệt của quần chúng, ban tổ chức của một kỳ thi nọ đã phải kịp thời thay thế một vị giám khảo “quá trớn” như vậy. Có giám khảo nhận xét thí sinh bằng lời lẽ miệt thị, thiếu thái độ hòa nhã, thân thiện và đã có trường hợp thí sinh phẫn nộ, phản ứng tại chỗ với vị giám khảo này. Lại có giám khảo ngồi trước đông đảo thí sinh và quần chúng, nhưng phong cách thiếu chững chạc, đứng đắn, có lúc còn nói cười “hô hố”, ôm vai, bấu véo đồng nghiệp ngồi bên cạnh như đang ở chốn vắng người. Các hiện tượng phản cảm nói trên từng bị quần chúng kịch liệt lên án.
 
Tuy vậy, công bằng mà nói, vai trò giám khảo của hầu hết các cuộc thi văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua đã có tác dụng to lớn trong việc xác định giá trị đích thực của tiết mục dự thi, trình độ thật sự của từng thí sinh.
 
Đã là giám khảo tham gia trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật - nghĩa là giám khảo trước công chúng, thì điều không thể thiếu là thái độ, tư cách phải có văn hóa để trước hết tạo được sự yêu mến, tin cậy của quần chúng, và sau đó là sự chín chắn, công bằng trong chấm thi. Đó là điều mong đợi cao nhất chẳng những của thí sinh mà còn của đông đảo quần chúng đang theo dõi cuộc thi.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC 

Tin cùng chuyên mục