Giảm nghèo bền vững cho gần 210.000 hộ

Giảm nghèo bền vững cho gần 210.000 hộ

“Những thành tựu trong công tác giảm nghèo, tăng hộ khá của TPHCM trong thời gian qua góp phần nâng cao đời sống, chất lượng sống của hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay, người nghèo TP có thể thoát ra khỏi chuẩn nghèo thu nhập ở từng giai đoạn nhưng vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản. Từ những hạn chế còn tồn tại và nhiều thách thức mới trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, TP triển khai chương trình giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, khẳng định như vậy khi nói về chương trình giảm nghèo bền vững mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đề ra.

* Phóng viên: Giảm nghèo bền vững có gì khác so với cách làm từ trước đến nay là giảm nghèo về thu nhập, thưa ông? 

* Ông NGUYỄN VĂN XÊ: Cùng với tiêu chí thu nhập, các tiêu chí về mức độ thiếu hụt của 5 chiều nghèo được sử dụng đo lường xác định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo. Về thu nhập, chuẩn nghèo từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống. 5 chiều nghèo khác (với 11 chỉ số có tổng điểm 100) là giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin.

Trong đó, nghèo về giáo dục - đào tạo được tính bằng trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em và trình độ nghề. Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên dưới 15 tuổi không đi học tương ứng với 10 điểm thiếu hụt. 10 điểm thiếu hụt tương tự được chấm nếu hộ có người từ 15 - 30 tuổi không tốt nghiệp THCS; hoặc có người trong độ tuổi lao động không có trình độ thấp nhất là sơ cấp nghề.

Nghèo về y tế nghĩa là hộ gia đình có người bị ốm đau nặng nhưng không đi khám chữa bệnh, người trên 6 tuổi không có bảo hiểm y tế (BHYT). Nghèo về điều kiện sống được đo lường bằng tình trạng nhà ở và nguồn nước sinh hoạt. Nếu hộ gia đình không được tiếp cận nước sạch; đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, hoặc diện tích nhà ở bình quân nhỏ (6m²/người ở nội thành và 10m²/người ở ngoại thành) đều được chấm 10 điểm thiếu hụt với mỗi chỉ số.

Nghèo về tiếp cận thông tin nếu gia đình không có ai sử dụng điện thoại và internet; không có tivi hoặc radio hoặc máy tính (5 điểm). Nghèo về bảo hiểm là hộ gia đình có các thành viên không tham gia bất kỳ hình thức bảo hiểm cá nhân nào… Như vậy, hộ gia đình nào có tổng điểm thiếu hụt bằng 0 là không thiếu hụt gì, còn tổng điểm bằng 100 là thiếu hụt tất cả các chiều/chỉ số. Chuẩn nghèo đa chiều là 40 điểm. Nghĩa là, hộ gia đình có mốc điểm thiếu hụt từ 40 trở lên sẽ rơi vào diện nghèo đa chiều.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM (áo sọc) trao quà cho bà Trần Thị Bích Ngọc (quận Phú Nhuận), một gia đình nhờ con cái chăm ngoan học hành đã vươn lên thoát nghèo.

* Với chuẩn nghèo trên, dự kiến TPHCM có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo?

* Người nghèo TP là những hộ dân có hộ khẩu thường trú và diện tạm trú KT3. Hộ nghèo được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1: hộ dân vừa nghèo thu nhập, vừa nghèo đa chiều (thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt 5 chiều nghèo từ 40 điểm trở lên). Nhóm 2: hộ nghèo thu nhập nhưng không nghèo đa chiều (thu nhập từ 21 triệu/người/năm trở xuống và có dưới 40 điểm). Nhóm 3: hộ không nghèo thu nhập nhưng nghèo đa chiều (thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm nhưng có điểm từ 40 điểm trở lên). Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập từ trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm. Dự báo, số hộ nghèo khoảng 130.000 hộ và 80.000 hộ cận nghèo.

* Có rất nhiều diện nghèo, vậy diện nghèo nào sẽ được ưu tiên chăm lo?

* Ưu tiên trước nhất là hộ dân vừa nghèo thu nhập, vừa thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản (nhóm 1, khoảng 0,56% tổng hộ dân TP). Thứ tự ưu tiên lần lượt: nhóm 2, 3 và cận nghèo. Trong đó, nhóm 1 và 2 sẽ được ưu tiên hỗ trợ các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm để giúp nâng thu nhập và tăng cường các khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Về nhóm 3, TP có các chính sách tác động trực tiếp vào các chiều đang thiếu hụt của hộ và tiếp tục hỗ trợ nâng cao thu nhập.

* Ngân sách cho giảm nghèo có “phình” ra để đáp ứng các chương trình về nhà ở, giáo dục, bảo hiểm…?

* TP tiếp tục xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực. Tất nhiên, TP luôn ưu tiên dành nguồn ngân sách hàng năm và cả giai đoạn để phục vụ các nhu cầu của chương trình giảm nghèo. Dự kiến, ngân sách cho chương trình có tăng một ít so với giai đoạn 3 và 4 (từ năm 2009-2015, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp cho giảm nghèo là 4.253 tỷ đồng), nhưng mức độ tăng không nhiều. Bởi, một số chính sách, giải pháp tác động để giảm một số chiều nghèo thiếu hụt không phải là cấp tiền, mà TP sẽ tập trung vào tuyên truyền vận động để làm chuyển biến nhận thức của người dân. Hơn nữa, các chính sách được lồng ghép vào các chương trình như nước sạch, nhà ở xã hội… nên sẽ không nhất thiết làm tăng đáng kể ngân sách của TP.

ĐƯỜNG LOAN


Ý kiến

Bà NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG,
Phó Chủ tịch UBND quận 1: Nhà 6m², 12 người ở

Chuẩn đo lường thiếu hụt về nhà ở của thành phố là 6m²/người ở nội thành và 10m²/người ở ngoại thành. Theo chuẩn này, với quận trung tâm như quận 1, rất là căng. Tại phường Cầu Ông Lãnh, có gia đình nhà chỉ 6m² nhưng có tới… 12 người; ngủ phải chia ca để ngủ, xe để ngoài đường. Quận đã vận động các nhà tài trợ, tìm nhà nơi khác ở nhưng họ vẫn ở quận 1 vì chỉ cần bán chút đồ lặt vặt cũng có thu nhập chứ đi nơi khác lạ lẫm, biết làm ăn bằng cách gì?

Quy định hiện nay phải mua BHYT theo hộ gia đình. Rất nhiều gia đình tuy không nằm trong chuẩn nghèo nhưng rất khó khăn, vận động họ mua BHYT rất khó. Trong những năm tới, quận tiếp tục ưu tiên lĩnh vực giáo dục, y tế để thay đổi diện mạo và nâng chất. Chúng tôi nhận thấy, phải thay đổi nhận thức của người nghèo ngay từ bây giờ với các thế hệ học sinh từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… Chúng ta giáo dục nhận thức cho các em để 5 năm sau, 10 năm sau có một thế hệ khác, có ý thức thoát nghèo, tự vươn lên thoát nghèo.

Ông TRƯƠNG VĂN LƯƠNG,
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM: Hai cách giảm nghèo về nhà ở

Về nhà ở, 6m²/người với nội thành cũng không phải là đơn giản, nhất là các quận 1, 3, 4, những nơi có nhiều nhà có diện tích rất là nhỏ. Cách giải quyết vấn đề ở đây là gì? Sau khi khảo sát, nắm được, phác họa được tình hình, phần vào cuộc giải quyết sẽ đòi hỏi nhiệm vụ của các ban ngành và chính quyền địa phương. Một mặt, chúng ta cần có thời gian chờ lứa con, cháu hộ nghèo trưởng thành, có điều kiện tách hộ thì mới giảm diện tích được. Bên cạnh đó là đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Việc giảm nghèo bền vững phải thực hiện từng bước, có lộ trình chứ không thể làm ào ạt được, bởi cần sự tác động, vào cuộc của nhiều sở ban ngành, nhiều quận, huyện cùng sự phấn đấu vươn lên của hộ dân.

Ông TRƯƠNG VĂN THỦ,
Bí thư Đảng ủy phường Tân Thuận Tây, quận 7: Quan trọng nhất là người dân phải có ý thức thoát nghèo

Chúng tôi thường vận động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động nghèo vào làm việc. Công  việc đơn giản thôi, không cần trình độ, ví dụ như nhặt rau, nấu cơm… Mong muốn của phường là lao động cần có ý chí, cố gắng làm lụng. Tôi đi khảo sát, ban ngày 9, 10 giờ mà nhà có đến 4, 5 người ở không, không làm gì hết. Tôi và đồng chí chủ tịch Hội Chữ thập đỏ vận động cho tiền đi học nghề uốn tóc nhưng cũng không đi. Cho nên điều quan trọng là làm sao phải tuyên truyền, vận động người nghèo có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Phải chịu làm lụng mới khấm khá được.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG,
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM: Cần quan tâm con em hộ nghèo trong nhiều năm

Thực hiện giảm nghèo bền vững không đơn giản! Nhất là về mặt nhà ở, sẽ rất là khó khăn với đô thị như TPHCM. Các quận, huyện ngoại thành còn có thể chia sẻ được, nhưng với quận nội thành, việc “nở” thêm diện tích nhà ở là rất khó khăn.

Trong giáo dục, tôi mong muốn các địa phương cần quan tâm đến con em hộ nghèo, hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí ngay từ khi các em học tiểu học. Và theo sát, hà hơi tiếp sức liên tục cho các em đến khi lên cấp 2, cấp 3. Đồng thời, quan tâm phân luồng, hướng nghiệp đầy đủ cho các em, em nào học nghề thì học nghề, em nào có khả năng thì vào đại học và tư vấn cho các em học gì ra trường có việc làm. Nếu được chăm chút một quá trình như thế, thì các em và các gia đình sẽ thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục