Giảm nghèo – hướng tới bền vững - Bài 1: Kỳ tích thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là mục tiêu lớn trong chiến lược an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (giai đoạn 2006 - 2010) sắp kết thúc. Tại ĐBSCL, chương trình đã đạt không ít thành tựu. Tuy nhiên, thực tế công tác XĐGN vẫn còn nhiều trở ngại, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để hướng tới việc giảm nghèo bền vững.
Giảm nghèo – hướng tới bền vững - Bài 1: Kỳ tích thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là mục tiêu lớn trong chiến lược an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (giai đoạn 2006 - 2010) sắp kết thúc. Tại ĐBSCL, chương trình đã đạt không ít thành tựu. Tuy nhiên, thực tế công tác XĐGN vẫn còn nhiều trở ngại, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để hướng tới việc giảm nghèo bền vững.

  • Thoát nghèo = đổi thay số phận

Nghèo khó và dốt nát là 2 điều bất lợi lớn của cuộc sống. Với mỗi số phận, nó giống như hòn núi chắn lối đi tới. ĐBSCL là một vùng đất trù phú nhưng khó phát triển vì vướng phải hòn núi ấy. Nếu ai cũng ngại khó, xuôi tay, không nỗ lực “leo núi”, có nghĩa là họ tự trói buộc đời mình trong nỗi khốn cùng của khó nghèo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cam chịu số phận. Có những gia đình không đủ gạo ăn hàng ngày, nhưng nỗ lực làm việc đã vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống. Có những người buôn gánh bán bưng đã thoát nghèo nhờ gánh ve chai… Gương thoát nghèo ở ĐBSCL không thể kể hết. Thậm chí có những câu chuyện như là cổ tích. Gia đình chị Huỳnh Mai Lý ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) là một ví dụ.

Ngày chị và chồng, anh Lê Ngọc Hoành, mới kết hôn được gia đình cho 2 công đất ruộng, nhưng mùa màng thất bát nên nhà chỉ vừa đủ gạo ăn. Gia cảnh lại càng khó hơn khi chị sinh đôi 2 cậu con trai. Khi 2 đứa con mới chào đời, bệnh tật liên miên, mọi gánh nặng chỉ trông chờ vào chuyện làm mướn của anh Hoành. Tình cảnh thúc bách, chị trăn trở kiếm thêm việc làm để có tiền nuôi con. Học được nghề đan giỏ lục bình, chị cắt lục bình về phơi khô tranh thủ buổi tối đan thử. Lúc mới tập đan, sản phẩm chưa sắc sảo nên bị trả về hoài, nhưng chị quyết tâm làm bằng được. Thấm thoát, chị gắn với nghề đan lục bình cũng đã 6 năm. Sản phẩm của chị bây giờ rất đẹp.

Anh Hoành cũng không chịu khoanh tay, ngoài đi làm mướn, anh tìm học mô hình làm ăn hiệu quả của bà con lối xóm. Lúc đầu anh nuôi heo, nhưng sau vài lần nuôi chỉ đủ vốn nên anh chuyển sang nuôi cá lóc vèo. Mới đầu chưa có kinh nghiệm, anh Hoành chỉ thả nuôi 500 con giống. Sau hơn 3 tháng, bán cá, trừ chi phí anh lãi gần 1 triệu đồng. Thấy được, nên anh mạnh dạn mua thêm 1.000 con cá giống, đợt xuất cá vừa rồi bán được trên 4 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 2 triệu đồng.

Nhờ cần mẫn, siêng năng, không ngại khó, giờ đây gia đình chị Huỳnh Mai Lý và anh Hoành đã ổn định. Năm trước, địa phương còn hỗ trợ gia đình chị 12 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương. Cộng với tiền dành dụm, chị cất được căn nhà khoảng 40 triệu đồng, khá xinh xắn, gọn gàng.

Tại Cà Mau, vùng đất nổi tiếng nghèo khó nhất nhì ĐBSCL, phong trào XĐGN đã đạt nhiều kết quả. Về ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, sau những dãy nhà khang trang là đồng lúa và rẫy hoa màu xanh mượt. Về đây, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thoát nghèo của đồng bào dân tộc Khmer nhờ tính cần cù lao động và sự hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước.

Với khoảng 5.000m² vườn tạp, gia đình đông người, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng ông Kim Tây không cam chịu hoàn cảnh. Hơn 10 năm nay, ông dốc sức cải tạo mảnh vườn tạp sang chuyên canh hoa màu năng suất cao, rồi đào ao nuôi cá bống tượng. Mỗi năm, tính riêng thu nhập từ hoa màu và cá, ông có trong tay hơn 100 triệu đồng. Cũng như ông Kim Tây, nhiều bà con trong xóm đều lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu xã hội. Những tháng giáp tết trồng bắp cải, cải làm dưa; mùa hạn trồng dưa leo, khổ qua; mưa xuống trồng bầu, bí… Cứ thế, đất quanh năm không nghỉ. Nhờ đó, đời sống bà con ngày càng khấm khá.

Nhờ chí thú làm ăn, ông Kim Tây (thứ 2 từ phải qua) ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau đã thoát nghèo. Ảnh: T.CÔNG

Nhờ chí thú làm ăn, ông Kim Tây (thứ 2 từ phải qua) ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau đã thoát nghèo. Ảnh: T.CÔNG

Về Bến Tre, câu chuyện thoát nghèo từ gánh ve chai cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Năm 2004, dự án “Hỗ trợ tín dụng giúp phụ nữ nghèo thị xã Bến Tre chuyên nghề mua bán phế liệu cải thiện đời sống” do tổ chức Terre des hommes (Đức) tài trợ đã góp phần làm cho cuộc sống của nhiều phụ nữ nghèo khấm khá hơn. Từ khốn khó, vay nóng, họ đã có vốn làm ăn đàng hoàng.

  • Chung sức đồng lòng

Cuộc vận động XĐGN đã trở thành phong trào sâu rộng và đã huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị, hưởng ứng mạnh mẽ bằng nhiều mô hình, cách làm cụ thể như: phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Nông dân với sự nghiệp trồng người; Phụ nữ tích cực lao động, học tập sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc; Xung kích, đồng hành lập thân, lập nghiệp.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 19,2% (năm 2006) xuống còn 8,15% (năm 2010); vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo đã đến 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, chủ yếu đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu, cây ăn trái… Ngoài ra, chương trình cho vay giải quyết việc làm từ năm 2005 đến nay đã tạo việc làm mới gần 13.000 lao động, góp phần tích cực giải quyết việc làm, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn các hộ sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình mở rộng sản xuất. Từ đó đã thu hút, tạo việc làm cho lao động nữ, lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Tại Bến Tre, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Trong 5 năm 2005 – 2010, Bến Tre đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng về XĐGN, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,02% (2005) xuống còn 9% (2010). Thực tế cả tỉnh đã có gần 30.000 hộ thoát nghèo. 5 năm qua, Bến Tre đã có 7.706 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 12.000 lao động thuộc hộ nghèo được học nghề, có công ăn việc làm; nhiều hộ được tư vấn pháp lý, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vay vốn làm ăn…

Nông dân xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre đan giỏ bằng cọng dừa - nghề tạo ra thu nhập thoát nghèo ở nông thôn.

Nông dân xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre đan giỏ bằng cọng dừa - nghề tạo ra thu nhập thoát nghèo ở nông thôn.

Những con số trên đủ minh chứng chủ trương đúng đắn của tỉnh, xem công tác giảm nghèo là một trong 3 chương trình trọng tâm. Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực của các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo, phi chính phủ, các nhà hảo tâm đã huy động, đóng góp nguồn lực rất lớn vào chương trình giảm nghèo.  Trong khi đó, kinh nghiệm của Long An ngoài việc phát động phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết và nội lực, Hội Nông dân tỉnh đã “đứng mũi chịu sào” thành lập các tổ tín chấp, đáp ứng đủ vốn cho nông dân; phối hợp ngành khuyến nông tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; giúp nông dân tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Tùy theo tình hình thực tế, thế mạnh, mỗi địa phương có cách làm khác nhau để có thể phát huy hết nội lực cùng chăm lo hỗ trợ người nghèo, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo hàng năm. Các mô hình sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống, liên kết giải quyết việc làm... đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết khá cơ bản việc làm, thu nhập cho người nghèo.

Theo bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Cần Thơ, các chính sách trợ giúp từ trung ương đến xã, phường cần được thực hiện đồng bộ và có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng. Từ đó, có kế hoạch, giải pháp cụ thể, kể cả phân công cán bộ các hội, đoàn thể trực tiếp theo dõi, giám sát bà con cách làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, kịp thời giúp đỡ khi cần thiết, việc giảm nghèo sẽ có hiệu quả rõ rệt

TRẦN MINH TRƯỜNG

-------------------
Bài 2: Đối mặt thách thức mới

Tin cùng chuyên mục