Giảm phát thải, chưa vội mừng

Theo thống kê của Liên hiệp quốc và tổ chức Dự án Carbon toàn cầu, trong năm 2020, lượng khí thải CO2 có mức giảm ước tính khoảng 7%.
Ảnhminh họa: TTXVN
Ảnhminh họa: TTXVN

Mức giảm kỷ lục này cùng với việc sụt giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch khiến năm 2020 trở thành năm có khí hậu tốt bất ngờ. Nguyên nhân xuất phát từ hàng loạt biện pháp phong tỏa do nhiều nước triển khai để phòng chống dịch Covid-19. Con số thống kê trên cho thấy, trong năm 2020, các nước đã giảm mức phát thải như cam kết từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký kết năm 2015, nhằm khống chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức dưới 2oC.  

Tuy nhiên, sau khi bản dự báo trên được công bố đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng, nếu gọi năm 2020 là năm khởi đầu cho xu thế giảm lượng khí thải hàng năm là chưa chính xác, vì đây chỉ là sự đảo ngược nhất thời khi nền kinh tế thế giới dự báo có thể phục hồi trở lại sau khi triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021.

Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol, nếu chính phủ các nước không triển khai các chính sách về năng lượng sạch trong khuôn khổ các gói phục hồi kinh tế, thì lượng khí thải CO2 giảm trong năm nay sẽ tăng trở lại và các nước sẽ trở lại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. 

Báo cáo thường niên của LHQ mang tên Emisions Gap (Mức chênh lệch phát thải) cho biết, lượng khí thải CO2 giảm mạnh trong năm 2020 sẽ có chỉ có tác động ít ỏi đối với sự ấm lên của Trái đất về dài hạn mà không dẫn tới sự thay đổi sâu sắc hướng tới năng lượng xanh. Sản lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá cần phải giảm 6%/năm cho đến hết năm 2030 thì nhiệt độ của Trái đất mới được duy trì mức tăng trong phạm vi 1,5-2 oC. 

Trong khi đó, nghiên cứu do hãng chế tạo Wartsila và tổ chức Enery Policy Tracker cho thấy, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chỉ mới đầu tư 145 tỷ USD để tìm ra các giải pháp cho năng lượng sạch trong khuôn khổ các gói phục hồi kinh tế, so với 216 tỷ USD mà các nước cam kết dành cho sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. 

Bên cạnh đó, việc trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch diễn ra dưới hình thức hỗ trợ tài chính, giảm thuế vẫn là một cản trở lớn để “làm xanh” nền kinh tế.  Hiện 50% gói kích khích và giải cứu kinh tế của các thành viên G20 là chi cho các lĩnh vực liên quan đến khai thác và tiêu thụ năng lượng hóa thạch, thay vì chi cho năng lượng carbon thấp.

Vẫn có những điểm sáng trong năm nay đó là các nước có lượng phát thải lớn, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, lần đầu tiên đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon. Chính phủ Anh cũng tuyên bố chấm dứt tài trợ các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Theo tính toán của tổ chức Climate Action Tracker, nếu các kế hoạch trung hòa carbon hiện nay được ban hành thì có thể hạn chế sự ấm lên của Trái đất ở mức 2,1oC. Dù mức tăng nhiệt này cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng nếu so với mức tăng nhiệt dự báo hơn 3oC vào năm 2100 khi xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục thì đây lại là con số khá tích cực.

Tin cùng chuyên mục