Giám sát đại học sau thành lập, giơ cao đánh khẽ?

Chưa có trường nào bị giải thể
Giám sát đại học sau thành lập, giơ cao đánh khẽ?

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH). 

Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM học tập trên mạng máy tính. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM học tập trên mạng máy tính. Ảnh: MAI HẢI

Chưa có trường nào bị giải thể

Đáng chú ý, ủy ban này cho rằng, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc thành lập trường đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng; cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở GDĐH mới thành lập từng bước được điều chỉnh. Quy trình thành lập khoa học, hợp lý hơn, tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH mới được thành lập, đặc biệt là các cơ sở GDĐH ngoài công lập có đầy đủ tư cách pháp nhân cần thiết để tiến hành thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng phát triển trường đồng bộ về cả 4 yếu tố: đất đai xây dựng trường, đội ngũ giáo viên (GV), vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết nhìn chung còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở GDĐH, khi lập dự án thành lập trường thì các bộ, ngành chủ quản, lãnh đạo các địa phương đưa ra rất nhiều cam kết cả về đất đai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như các chính sách về đào tạo, phát triển đội ngũ, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế. Tỷ lệ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhiều trường thường chỉ đạt khoảng 50% so với cam kết, cá biệt có trường chỉ đạt khoảng 10% (Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Thọ).

Cũng theo ủy ban này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho đến nay vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm đối với các trường sau khi thành lập. Vì vậy, nhiều cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng diện tích đất theo quy định vẫn còn rất thấp; nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở đào tạo ở nhiều địa điểm khác nhau, gây khó khăn rất lớn cho việc học tập của HSSV. Theo quy định của Nghị quyết 50/2010/QH12, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở GDĐH vẫn chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể, nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.

Công tác tuyển sinh của nhiều cơ sở GDĐH gặp khó khăn; chất lượng đầu vào của SV còn thấp. Để có được người học, nhiều cơ sở GDĐH tìm mọi cách để lôi kéo SV (như không trả giấy chứng nhận kết quả thi hoặc không cho rút hồ sơ thí sinh…) mà chưa quan tâm đúng mức tới chất lượng đầu vào và nguyện vọng của học sinh; tuyển sinh ở mức điểm sàn tối thiểu, thậm chí còn xin vận dụng những quy định ưu tiên để tuyển sinh dưới điểm sàn tối thiểu. Phần đông các cơ sở GDĐH, trong đó hầu hết các cơ sở ngoài công lập vẫn tập trung chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành trong quá trình đào tạo (như các ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính, ngoại ngữ...).

Nhà nước sẽ đặt hàng đào tạo những ngành không hấp dẫn

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quy mô đội ngũ GV vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo; tỉ lệ đội ngũ GV có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành chỉ có 286 GV có chức danh giáo sư (0,5%), 2.009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%). Một số trường có số lượng GV cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người (Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Công nghiệp cao su, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi...). Tỷ lệ SV trên GV cơ hữu và hợp đồng dài hạn ở nhiều trường vẫn còn cao, thậm chí rất cao (như Trường ĐH Văn Hiến: 95 SV/GV; Trường ĐH Phú Xuân: 66,8 SV/GV). Nhiều ngành đào tạo chưa có GV có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng quy định (Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội...).

Từ thực tế trên, ông Đào Trọng Thi cho biết, cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH trong cả nước cũng như của từng vùng, từng khu vực. Gắn quy hoạch này với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Không thành lập thêm các cơ sở GDĐH công lập ở những vùng đã có nhiều trường và các trường thuộc địa phương nhưng ngân sách địa phương không đủ bảo đảm. Ưu tiên thành lập các cơ sở GDĐH ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ mở ngành và đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hạ cấp hoặc giải thể những cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thực hiện cam kết thành lập trường, không hội tụ đủ năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, ủy ban này cũng kiến nghị, từng bước gắn việc đào tạo với nhu cầu xã hội. Theo đó, đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao (như kinh tế, tài chính, luật...) hoặc các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội thì cơ sở GDĐH được tự xác định mức thu học phí cho phù hợp với khả năng đóng góp của xã hội, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương và từng giai đoạn trên cơ sở tính đủ các chi phí cơ bản, cần thiết cho đào tạo. Đối với những ngành nghề đào tạo không hấp dẫn (như sư phạm, nông-lâm-ngư, nghệ thuật...) thì Nhà nước sẽ đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo. Đối với chính quyền các địa phương, cần chỉ đạo kiên quyết, nhất quán trong việc thực hiện cam kết đầu tư, xây dựng các cơ sở GDĐH tại địa phương, đặc biệt là trong việc quy hoạch đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với cơ sở GDĐH mới thành lập.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục