Đầu năm 2017, Công ước Viên của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt là CISG) chính thức có hiệu lực tại nước ta. Việc gia nhập công ước này mang lại cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam những lợi ích đáng kể như kinh tế, pháp lý…
Thống kê cho thấy, trên 70% đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã gia nhập CISG. Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Viac, thông tin từ đầu năm 2016 đến nay, Viac thụ lý 82 vụ kiện liên quan đến lĩnh vực thương mại (chủ yếu DN tại TPHCM). Trong đó, 21 vụ liên quan đến mua bán quốc tế. Thông thường, trên thế giới, có 75% vụ tranh chấp liên quan đến mua bán quốc tế. Theo ước tính của các chuyên gia, tại Việt Nam, các vụ tranh chấp quốc tế còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Tại buổi hội thảo mới đây với chủ đề “CISG - Nắm bắt cơ hội từ hội nhập”, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế từ Viac, Trường Đại học Ngoại thương… đã giúp DN phần nào giải tỏa được những băn khoăn trên. Luật sư Nguyễn Trung Nam, Giám đốc điều hành EPLegal, đã hướng dẫn DN về cách chào hàng, soạn thảo một số điều khoản trong hợp đồng CISG. Chẳng hạn như, cần nêu rõ hàng hóa; ấn định số lượng và giá cả một cách rõ ràng hoặc ngầm định; có các điều khoản nhằm xác định số lượng và giá cả… Việc chào hàng có thể phải chứa đựng những nội dung khác như thời gian và địa điểm giao hàng, thậm chí là về bao bì hàng hóa. Nếu một đề nghị không chứa đựng đầy đủ các yếu tố này thì chưa được coi là một chào hàng có giá trị ràng buộc. Ngoài ra, cần lưu ý đến quy định, yêu cầu của Luật quốc gia được áp dụng (nếu có) về những điều khoản chủ yếu cần phải có trong từng loại hợp đồng cụ thể.
Khi đối tác chào hàng, nhưng DN được chào vẫn im lặng, không hành động vậy có phải đã chấp nhận? Theo Luật sư Nguyễn Trung Nam, khi các bên giao kết hợp đồng đã hình thành thói quen về việc một bên im lặng thì được coi là sự chấp nhận của bên đó đối với chào hàng. Để chứng minh điều này, luật sư Nam nói, trong một quyết định của Tòa phúc thẩm Grenoble (Cộng hòa Pháp), im lặng vẫn được coi là đồng ý do bên bán thường xuyên thực hiện đặt hàng của bên mua mà không cần tuyên bố chấp thuận rõ ràng. Ngay cả khi là đối tác lâu năm, bên chào hàng cũng nên có sự trù bị sẵn phương án dự phòng khi chào hàng không được chấp nhận. Không nên quá tin tưởng rằng bên còn lại sẽ theo thói quen chấp nhận chào hàng mà không thông báo.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết, kể từ ngày 1-1-2017, tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các DN tại Việt Nam và đối tác ở các nước là thành viên của CISG sẽ tự động được điều chỉnh bởi CISG, trừ khi các bên thể hiện rõ ràng trong hợp đồng là CISG không điều chỉnh hợp đồng. CISG không áp dụng vào việc mua bán: hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ; bán đấu giá; các cổ phiếu, trái phiếu, thương phiếu hoặc tiền tệ; tàu thủy, máy bay, các thiết bị bay, tàu chạy đệm không khí; điện năng… Luật sư Châu Việt Bắc, thông tin thêm về quy định mức bồi thường thiệt hại quy định trong CISG. Cụ thể, Điều 74 CISG chỉ rõ: “Mức bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên bao gồm: giá trị tổn thất, kể cả khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ, mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra. Mức bồi thường thiệt hại không thể vượt quá giá trị tổn thất như là hậu quả có thể xảy ra của việc vi phạm hợp đồng mà bên vi phạm tiên liệu hoặc phải tiên liệu được vào thời điểm giao kết hợp đồng, căn cứ vào các sự kiện mà bên vi phạm biết hoặc phải biết vào thời điểm đó”. Thế nhưng, thế giới cũng từng có các án lệ, chẳng hạn như: Tòa Phúc thẩm Grenbleh, Pháp (vụ tranh chấp số 96J/00101) xác định tổn hại uy tín kinh doanh không nằm trong phạm vi khái niệm Điều 74. Hay như, Tòa Trọng tài ICC của Thụy Sĩ (vụ tranh chấp số 8128/1995) xác định tính hợp lý của giao dịch thay thế…
Như vậy, để giảm thiểu rủi ro, DN cần tìm hiểu rất nhiều thông qua đội ngũ tư vấn, luật sư của họ. Theo như Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng nhận định, thì: “Trên thực tế, cơ hội cho DN Việt Nam khi gia nhập CISG nhiều hơn thách thức. Tuy vậy, để nắm bắt cơ hội, vượt thách thức, DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin”.
THI HỒNG