Hiện trạng thu hoạch rau màu, trái cây không đúng độ tuổi, điều kiện đóng gói, vận chuyển và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế đã gây tổn thất lớn cho nông sản vùng ĐBSCL. Vì vậy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại trong bảo quản và chế biến nông sản được xem là giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Thời gian qua các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, sản xuất theo hướng GAP, xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh. Tuy nhiên, do thiếu liên kết giữa sản xuất nông sản hàng hóa với các hoạt động chế biến và tiêu thụ nên phần lớn nông sản ĐBSCL chỉ xuất khẩu thô. Điều này đã giảm khả năng cạnh tranh và giá trị xuất khẩu hàng nông sản ĐBSCL. TS Phan Thị Thanh Quế, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Hiện nay, mức độ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL còn hạn chế, diện tích vùng nguyên liệu có chứng nhận sản xuất tốt còn ít; chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường nên nông sản ĐBSCL chỉ ở hình thức sơ chế đã làm giảm giá trị nông sản trên thị trường. Vì thế, tiêu thụ nông sản ĐBSCL ngày càng đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp triển khai các giải pháp quan trọng để gia tăng chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng kho dự trữ, dây chuyền đóng gói, bảo quản, đảm bảo chất lượng đầu ra cho nông sản. Điều quan trọng, để giảm tổn thất sau thu hoạch, các cơ sở sản xuất và nông dân cần xác định độ tuổi và thời điểm thu hoạch, sử dụng đệm lót để hạn chế sự tổn thương cơ học cho nông sản; kiểm soát điều kiện vệ sinh, phân loại, xử lý và lựa chọn đóng gói bao bì phù hợp với từng loại nông sản… Nếu thực hành tốt các khâu này sẽ nâng cao được chất lượng và giá trị cho nông sản vùng ĐBSCL.
TS Trần Lệ Thu, Văn phòng đại diện Juran Việt Nam (chuyên cung cấp thiết bị bảo quản, dây chuyền sản xuất chế biến nông sản), cho biết: ĐBSCL là vùng có sản lượng nông sản xuất khẩu lớn của cả nước, nhưng giá trị mang lại còn thấp. Nguyên nhân là vùng ĐBSCL chưa thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Vì thế, muốn nâng cao giá trị nông sản, cần tăng cường đầu tư đúng và đủ các phương pháp bảo quản sau thu hoạch. Để thực hiện điều này, ngoài đẩy mạnh liên kết sản xuất cùng một mặt hàng có chất lượng với sản lượng lớn và truy xuất nguồn gốc, Nhà nước cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp và cơ sở sở chế biến nông sản, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm nông sản có chất lượng.
Vừa qua, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuyên cung ứng thiết bị bảo quản, dây chuyền sản xuất chế biến nông sản tổ chức hội thảo “Quy trình công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch”. Hội thảo đã chia sẻ nhiều giải pháp bảo quản nông sản; Cách xử lý nấm bệnh, kiểm soát thành phần không khí bao bì trước khi đóng gói và vận chuyển đối với các loại rau màu, trái cây tại vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông sản có định hướng lựa chọn và ứng dụng các giải pháp bảo quản và chế biến phù hợp với điều kiện của từng loại nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh hội nhập.
CAO PHONG