Việt Nam bị xếp hạng thứ 149/189 quốc gia về môi trường kinh doanh. Một thách thức không nhỏ cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu cải cách hành chính là rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí hành chính cho doanh nghiệp (DN)... Cụ thể, đến cuối năm 2015, VN giảm thời gian thực hiện thủ tục về thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 171 giờ; giảm số ngày thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu từ 21 ngày xuống còn 13 - 14 ngày.
Tuy nhiên, nhóm giải pháp đề ra là sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục hành chính thuế, tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, tháo gỡ vướng mắc cho DN…, liệu có thể giúp kéo giảm 3/4 thời gian tuân thủ về thuế, giảm 1/3 thời gian trong lĩnh vực hải quan? Có vẻ hướng đi chưa xoáy vào trọng tâm. Bởi các hội thảo tháo gỡ khó khăn kia chỉ mới là giải pháp “chữa cháy, cứu đói” chứ chưa phải giải pháp căn cơ, bền vững trong hỗ trợ DN. Còn các thủ tục hành chính muốn cải tiến hiệu quả, quan trọng nhất là phải dựa trên “nền” cơ sở vật chất, trình độ phù hợp.
Tìm hiểu cơ sở đánh giá dựa vào đâu khiến DN tiêu tốn đến 537 giờ/năm cho lĩnh vực thuế thì sẽ thấy: riêng thời gian “chuẩn bị” kê khai thuế GTGT chiếm hết 296 giờ/năm và thời gian chuẩn bị cho hoạt động kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm 198 giờ/năm. Trong khi thời gian “thực hiện” kê khai thì chỉ tốn 18 giờ/năm cho thuế GTGT và 14 giờ/năm cho thuế TNDN và thời gian “nộp thuế” chỉ mất 6 giờ/năm cho thuế GTGT và 5 giờ/năm cho thuế TNDN (theo thống kê trong báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới - WB và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC). Con số báo cáo cho thấy, thời gian tiêu tốn nhiều nhất nằm trong lúc “chuẩn bị” kê khai thuế chứ không phải trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế. Vậy mà nội dung cải cách của chúng ta lại tập trung vào hoạt động kê khai và nộp thuế như: phấn đấu 95% DN nộp thuế qua mạng, phấn đấu cắt giảm thủ tục hành chính thuế… Đó là điều bất hợp lý! Để giải quyết mấu chốt của vấn đề, nhất thiết phải tinh giảm ở khâu “chuẩn bị” kê khai thuế. Mà khâu chuẩn bị kê khai thuế chính là việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ. Điểm phức tạp của hóa đơn nằm ở việc chúng ta thực hiện cùng lúc hai loại hóa đơn, hóa đơn thông thường (dùng cho chủ thể kinh doanh có tổng hàng hóa bán ra dưới 100 triệu đồng/năm) và hóa đơn GTGT. Đến các quy định kê khai, lưu trữ hóa đơn trong vòng 5 năm khiến DN, nhất là những DN bán lẻ, phải ngập đầu trong kho giấy. Để ra được một báo cáo thuế, DN phải thực hiện các bước chuẩn bị (ghi, lưu trữ) hàng đống giấy tờ… Rồi phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị tài liệu sổ sách, hồ sơ chứng từ phục vụ cho mục tiêu tính thuế.
Chúng ta không thể đạt được mục tiêu “giảm phần lớn thời gian” khi mà tờ khai thuế GTGT chưa thống nhất một loại hóa đơn; khi còn nhiều mẫu biểu, bảng kê, phụ lục kèm theo; khi vẫn còn các chỉ tiêu trong hồ sơ kê khai bị trùng lặp; việc kê khai điều chỉnh, đối chiếu hóa đơn mua/bán hàng hóa, dịch vụ với các chứng từ thanh toán, tờ khai hải quan bằng thủ công… Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp DN kê khai thuế điện tử, cơ quan thuế hải quan phải kết nối liên thông mạng, quản lý được nguồn hàng, cũng như quy trình xuất hóa đơn, đối chiếu các liên hóa đơn qua mạng… Chỉ như thế, DN mới không phải vật lộn với mớ hóa đơn, chứng từ, giảm được khâu chuẩn bị trong khai thuế. Nếu không, những cải cách của chúng ta chỉ tập trung vào những gì DN đã kỳ công chuẩn bị đủ “mâm”, trong khi khâu “soạn mâm” mới là khâu cực khổ!
CHẾ HÂN