Ngay từ lúc bắt đầu hoạt động, thay vì chờ đợi khán giả đến với mình và không chỉ lựa chọn những không gian biểu diễn sang trọng, chỉn chu, các nghệ sĩ đã năng động hơn khi tìm ra những không gian mới, cách phối mới để đưa người nghe tiếp cận gần hơn, đa dạng hơn với các loại hình âm nhạc. Những không gian mở đó có một lượng khán giả nhất định, dù bước đường phía trước còn nhiều gian nan.
Biểu diễn nhạc dân tộc trước sảnh Nhà hát Thành phố (TPHCM)
Hà Nội: Gắn kết nhạc giao hưởng với cộng đồng
Giữa tiết trời se lạnh của Hà Nội, hàng ngàn người đã ngồi lại bên bờ hồ Hoàn Kiếm để cùng tận hưởng những giây phút bay bổng, thăng hoa của âm nhạc. Đâu đó vẫn lao xao, rì rầm tiếng đám trẻ hiếu động, một vài chiếc điện thoại quên tắt chuông thi thoảng lại kêu lên... nhưng có hề chi mà ngược lại, chính âm thanh bộn bề của cuộc sống ấy đã làm cho đêm trình diễn nhạc giao hưởng của dàn nhạc giao hưởng London - London Symphony Orchestra trở nên quyến rũ và đầy hứng khởi. Đã rất lâu người dân thủ đô mới được sống trong bầu không khí đượm chất nghệ thuật như vậy.
Khi thông tin về dàn nhạc giao hưởng đến từ Anh quốc biểu diễn tại khu vực phố cổ Hà Nội được lan ra, không ít người đã tỏ ý nghi ngờ bởi lẽ đây là loại hình nghệ thuật không dành cho số đông, hơn nữa đó cũng là môn nghệ thuật đòi hỏi về không gian trình diễn sang trọng… Song những gì đã diễn ra ở ngoài trời ngay tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua đã đánh tan rào cản vô hình về một loại nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật bác học. Cả ngàn người ngồi ngay dưới lòng đường, trên vỉa hè, dưới gốc cây và rất nhiều người trong số đó còn chưa thể nhận biết được đủ số nốt trên một khuông nhạc, song họ đã bị cuốn theo giai điệu trầm hùng của bản Tiến quân ca, những giai điệu mượt mà, vui tươi trong tác phẩm Festive Overture đến từ nước Nga, nín lặng trước Benjamin Britten, Four Sea Interlude của nước Anh và bản Giao hưởng số 2 của Rachmaninov...
Đúng như bà Kathryn McDowell, Giám đốc điều hành London Symphony Orchestra, đã chia sẻ: “Sau nhiều lần biểu diễn ngoài trời tại quảng trường Trafalgar (London, Anh), chúng tôi muốn mang không khí tuyệt vời đó đến với Hà Nội để nhiều người được thưởng thức âm nhạc ở chính nơi họ mong muốn, hoàn toàn miễn phí”. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được nghe nhạc giao hưởng trực tiếp nên không giấu được cảm xúc vô cùng hứng thú. Trong hơn một giờ diễn ra chương trình, khán giả đã dành những tràng pháo tay không ngớt tán thưởng dành cho dàn nhạc. Một không gian nghệ thuật tinh tế và cao cấp đang dần mở ra cho những sân khấu đường phố, sẽ giúp nâng cao khả năng cảm thụ cho đông đảo người dân yêu nghệ thuật.
Với người dân Hà Nội, việc đưa nhạc giao hưởng xuống phố để phục vụ miễn phí cho đông đảo công chúng được ghi nhận bởi dự án âm nhạc cộng đồng mang tên LuaLa concert. Kể từ sau cuộc “mở đường” của Luala Concert, mới đây có thêm dự án âm nhạc giao hưởng ngẫu hứng trên đường phố do dàn nhạc Rhapsody Philharmonic (giám đốc, nhạc sĩ Lưu Quang Minh thực hiện). Mỗi tháng một lần, họ lại hẹn nhau tại một địa điểm trong TP, có thể là quảng trường, góc công viên, khu trung tâm thương mại... cùng chơi nhạc giao hưởng một cách ngẫu hứng, mong muốn gắn kết nhạc giao hưởng với cộng đồng.
Những năm gần đây, trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng trong nước được nâng cao. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cả nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã nỗ lực bỏ công sức, tiền của đầu tư nhằm mang tới công chúng các tác phẩm kinh điển như công diễn vở ballet nổi tiếng hay các chương trình biểu diễn của nghệ sĩ danh tiếng…
Nhạc sĩ Phú Ân, một trong những thành viên của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam từ những ngày mới thành lập, cũng từng chia sẻ đã có thời nhạc giao hưởng là đặc sản của người Hà Nội và vé được bán theo đơn đặt hàng. Những năm 60 thế kỷ trước, kinh tế rất khó khăn song không ít những đêm diễn, khi tiếng nhạc đã ngừng, khán giả bên dưới vẫn ngồi lặng đi, rồi như chợt òa lên với những tiếng vỗ tay dài như bất tận. Còn các nghệ sĩ, nhạc công khi ấy, cùng với việc luyện tập các tác phẩm của các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới thì dàn nhạc vẫn có lịch biểu diễn ở tỉnh, thậm chí biểu diễn ngay ngoài trời…
Và ở thời điểm này, có lẽ cách làm này cũng nên tiếp tục được duy trì song song với việc nâng cao trình độ diễn xuất, để “khơi nguồn” khán giả, để lớp trẻ dễ dàng tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
TPHCM: Nặng hàn lâm, nhẹ truyền thống
Tại TPHCM, việc đem nghệ thuật đỉnh cao, chất lượng, hàn lâm đến gần hơn với công chúng đã được thực hiện cách đây hơn 10 năm, với một loạt chương trình nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, hát bội, cải lương, múa… luân phiên trình diễn tại Nhà hát Thành phố. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các chương trình dù được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng, đa dạng, song không thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả. Lượng khán giả đến với các chương trình cứ thưa vắng dần, khiến các đơn vị tổ chức thực hiện không thể duy trì diễn định kỳ. Hầu hết các chương trình nghệ thuật đỉnh cao đành ngưng diễn trong sự nuối tiếc của những người làm nghề.
Sinh viên Khoa Âm nhạc dân tộc trình diễn trong chương trình hòa nhạc cuối tuần trước sảnh phòng hòa nhạc Nhạc viện TPHCM
Sau đó một thời gian, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM tích cực gầy dựng một chương trình biểu diễn định kỳ hàng tháng tại sân khấu Nhà Văn hóa Thanh niên, giới thiệu nghệ thuật múa, phổ cập những kiến thức cơ bản, các kỹ thuật ngôn ngữ đặc biệt của nghệ thuật trình diễn loại hình múa cổ điển, dân gian, đương đại… đến với đông đảo khán giả. Chương trình nhận được sự yêu thích của rất nhiều bạn trẻ, sinh viên, học sinh, công chúng yêu thích nghệ thuật múa. Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, vì gặp phải nhiều khó khăn nên chương trình đã tạm ngưng vô thời hạn.
Trong khi đó, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình hòa nhạc cuối tuần trước sảnh Nhà hát Thành phố. Chương trình nghệ thuật này thực hiện trên tiêu chí đảm bảo chất lượng nghệ thuật, trình diễn phục vụ khán giả nhiều thể loại âm nhạc, cách thức tổ chức đa dạng, đậm chất hàn lâm, với sự tham gia của các dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng, dàn kèn đồng và nhiều ban nhạc. Theo thời gian, chương trình đã tạo được sức lôi cuốn, sự hấp dẫn với người dân TP và du khách đến thưởng thức vào mỗi dịp cuối tuần.
Trong 3 năm qua, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã tổ chức liên tục chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ hàng tháng, trong đó có chương trình “Giai điệu trẻ” thu hút được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả sinh viên, học sinh, thanh niên. Khán giả trẻ được hiểu biết rõ hơn về cách thức xây dựng và trình diễn của dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, phong cách trình diễn nhạc kịch, vũ kịch, kỹ thuật và ngôn ngữ của nghệ thuật múa ballet, múa đương đại…
Nhìn chung, hoạt động tổ chức biểu diễn của nghệ thuật hàn lâm, đỉnh cao, chất lượng đến với công chúng TPHCM hiện nay vẫn rất hiếm hoi, cách thức tổ chức thực hiện còn mang tính độc hành, mỗi nơi một kiểu, thiếu sự quảng bá và phát triển mở rộng, chưa phục vụ được cho tất cả các đối tượng khán giả. Đặc biệt, có một số loại hình nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa miền Nam, từng là loại hình nghệ thuật mang dấu ấn rất riêng của TPHCM như cải lương, hát bội, đờn ca tài tử… lại không có nhiều dịp để tiếp cận với công chúng.
|
THÚY BÌNH - MAI AN