Gian nan đường về Cần Giờ

Khi đường Rừng Sác mới đưa vào khai thác, từ trung tâm TPHCM xuống thị trấn Cần Thạnh bằng xe hơi chỉ chừng 90 phút, nhưng một năm trở lại đây, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đang nâng cấp, thường kẹt xe, còn đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) đã hư hỏng, xuống cấp nặng, nên thời gian xuống Cần Giờ tăng gấp đôi, đường trở nên xa hơn.

Đại công trình trên đường Huỳnh Tấn Phát

Nhiều tháng nay, trên đường Huỳnh Tấn Phát cùng lúc có 2 dự án: thi công tuyến ống nước cấp 1 từ đường Nguyễn Văn Quỳ đến cầu Phú Xuân; lắp đặt hệ thống thoát nước, nâng đường. Tuyến đường Huỳnh Tất Phát thành đại công trình. Để có mặt bằng thi công, cả 2 chiều lên xuống đều có lô cốt kéo dài hàng chục mét, tạo thành nút cổ chai giữa đường. Tại những điểm đặt lô cốt, mặt đường chỉ vừa một làn xe.
Con đường huyết mạch, phương tiện lưu thông nhiều, nhưng mặt bằng phải trưng dụng cho 2 công trình nên luôn trong tình trạng ngổn ngang đất đá. Những ngày nắng, con đường đầy bụi đá. Lúc trời mưa, triều cường, nước dâng ngập trắng đường, việc đi lại càng khó khăn hơn. Ô tô, xe máy chen nhau từng chút, vừa lo kẹt đường, vừa sợ sụp hố. 
Mặt đường Huỳnh Tấn Phát xấu, khó đi lại do đơn vị thi công làm cẩu thả, còn chủ đầu tư, đơn vị giám sát thiếu trách nhiệm. Trên cùng tuyến đường, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV làm chủ đầu tư dự án cấp nước, còn Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở Giao thông Vận tải) chủ đầu tư dự án thoát nước, nâng cấp đường.
Gian nan đường về Cần Giờ ảnh 1 Những lô cốt nằm dài ngày trên đường Huỳnh Tấn Phát gây cản trở giao thông
Đường xấu, thiếu an toàn kéo dài, nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công lại đổ lỗi cho nhau. Trên công trình, nhiều đoạn lô cốt của dự án cấp nước do liên doanh Công ty cổ phần Công trình công chánh và Công ty cổ phần Xây dựng số 5 thi công được cấp phép cho dựng hàng rào chắn từ ngày 11-6 đến 11-7, nhưng đến giữa tháng 11 rào chắn vẫn nằm giữa đường.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trình, đơn vị đã thi công đúng tiến độ, yêu cầu của chủ đầu tư. Công ty đào đến đâu, xử lý mặt đường sạch đến đó. Còn tình trạng đường ngổn ngang đất đá, nhiều bụi là do đơn vị thi công dự án thoát nước, nâng cấp đường gây ra. 
Đường Rừng Sác xuống cấp
Qua phà Bình Khánh, đặt chân lên địa phận Cần Giờ, đường Rừng Sác mở ra trước mặt. Đại lộ rộng, hai bên đường ít nhà cửa, người đi lại ít, biển báo tốc độ cho phép xe chạy 80km/giờ, nhưng thực tế ô tô chỉ có thể chạy với tốc độ “rùa bò” chừng 20km/giờ vì mặt đường quá nhiều ổ gà, chừng trăm mét lại gặp ổ voi, sâu đến gang tay.
Nếu ô tô, xe tải lớn chạy với tốc độ 60 - 70km/giờ thì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông vì những ổ gà, ổ voi sẽ thành hố tử thần.
Thường xuyên lái chiếc Inova về Cần Giờ, anh Thái Văn Đoàn than: “Chạy xe trên đường Rừng Sác, những lúc trời nắng còn có thể cố lách tránh ổ gà, chứ lúc trời mưa thì phải chịu bò dần mới về nhà an toàn. Vì chỉ một cơn mưa là toàn bộ ổ voi, ổ gà chìm dưới làn nước đã biến thành những cái bẫy nguy hiểm. Không ít xe khách lớn, xe tải phải nằm lại giữa đường, xe bị hỏng vì tài xế đạp mạnh ga, cố phóng nhanh qua những vũng nước.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Tuyến đường Rừng Sác mới hoàn thành giai đoạn 1. Đường xuống cấp, chất lượng mặt đường xấu, không chỉ trở ngại, khó khăn cho việc lưu thông, đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuyến đường Rừng Sác do Sở Giao thông Vận tải TPHCM đầu tư và quản lý, duy tu. Với chức năng, thẩm quyền cấp huyện, địa phương đã nhiều lần kiến nghị sớm tu bổ, nâng cấp mặt đường để người dân đi lại thuận tiện, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra”. 
Cùng với thực trạng đường xuống cấp, Cần Giờ còn bị cách trở do phải qua phà Bình Khánh. Mặc dù lực lượng Thanh niên xung phong đã cố gắng bổ sung phà có tải trọng lớn, tăng chất lượng phục vụ, nhưng nhiều khi vào giờ cao điểm vẫn ùn tắc nhiều xe chờ phà.
Từ nhiều năm qua TPHCM muốn sớm xây cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ) để thay cho bến phà Bình Khánh. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng liên quan đang thận trọng xem xét về mặt thời gian, nguồn vốn, quỹ đất, phương thức xây dựng cầu này.
Từ năm 2015, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã triển khai xây dựng một chiếc cầu khác cũng vượt sông Soài Rạp là cầu Bình Khánh, tại vị trí cuối đường Nguyễn Hữu Thọ (đường trục Bắc - Nam) nối vào đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè).
Cây cầu này là dự án hợp phần của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Dự tính khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào khai thác thì tại đoạn vượt trên đường Rừng Sác sẽ mở các nhánh lên xuống, để kết nối giữa tuyến cao tốc và đường Rừng Sác.
Như vậy, khi đó từ trung tâm TPHCM đi theo đường trục Bắc - Nam đã có hệ thống cầu đường nối thông sang huyện Cần Giờ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ quan chuyên môn của TPHCM thận trọng nghiên cứu có nên làm cầu Cần Giờ gần vị trí phà hiện hữu lúc này hay không. Do vậy, trước mắt đường đi Cần Giờ vẫn còn gian nan.

Tin cùng chuyên mục