Gian nan giữ rừng trắc

Rừng đặc dụng Đắk Uy (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) là khu rừng duy nhất tại Tây Nguyên có quần thể gỗ trắc với hàng trăm cây quý hiếm. Cũng vì lẽ đó, nhiều năm nay, khu rừng này trở thành miếng mồi ngon của lâm tặc.
Gian nan giữ rừng trắc

Rừng đặc dụng Đắk Uy (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) là khu rừng duy nhất tại Tây Nguyên có quần thể gỗ trắc với hàng trăm cây quý hiếm. Cũng vì lẽ đó, nhiều năm nay, khu rừng này trở thành miếng mồi ngon của lâm tặc.

Gỗ trắc “chảy máu”

Một ngày đầu tháng 5, có mặt tại con đường mòn ở xã Đắk Mar dẫn vào quần thể cây trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy, chúng tôi “đụng đầu” một tốp thanh niên mang ba lô cùng cưa tay cũng đang len lỏi vào khu rừng. Thấy người lạ, nhóm thanh niên trợn mắt một hồi rồi tản thành tốp nhỏ trước khi mất dạng. Nghe kể lại chuyện, ông Nay Y Riu, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, phỏng đoán có thể các đối tượng định vào cưa gỗ nhưng nghĩ công an đang vào điều tra vụ tấn công lực lượng chức năng để chặt gỗ trắc trước đó nên chùn chân rút lui.

Công an khám nghiệm hiện trường cây gỗ trắc bị đốn hạ vào ngày 12-4

Vụ “xẻ thịt” gỗ trắc mà ông Nay Y Riu nói đến diễn ra vào 4 giờ sáng 12-4 tại khu vực lán trại số 3, tiểu khu 342A, xã Đắk Mar. Lúc ấy nhóm lâm tặc dùng cưa tay xẻo một cây gỗ trắc có đường kính gốc khoảng 25cm. Nghe tiếng cây đổ, nhân viên ban quản lý rừng cùng công an, cán bộ xã cùng vây bắt. Bị phát hiện, một tên lâm tặc vác khúc gỗ trắc bỏ chạy, các tên khác người lấy xe, người mang dụng cụ chạy tán loạn. Ông Nay Y Riu trong lúc truy bắt cũng bị một tên vung dao chém làm đứt lóng tay phải nhập viện. Bốn đối tượng sau đó lần lượt sa lưới.

Ông Nay Y Riu không nhớ chắc số lượng cây gỗ trắc bị đốn hạ theo từng năm, nhưng nhẩm tính sơ bộ trong năm 2013 xảy ra 147 vụ với hơn 50 cây gỗ trắc bị “xẻ thịt”. Năm 2014 xảy ra 46 vụ với 23 cây. Năm 2015 có 5 vụ với 5 cây. Năm 2016 có xu hướng tăng lại, chỉ 5 tháng đầu năm đã xảy ra 24 vụ với 24 cây. Các cây gỗ trắc bị đốn hạ có đường kính gốc từ 10 - 27cm.

Khó giữ rừng trắc?

Theo ghi nhận, cây trắc ở khu vực rừng đặc dụng Đắk Uy thường tập trung thành từng vạt, có vạt bán kính vài chục mét và có đến hơn 30 cây trắc. Trong khi Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy hiện có 25 người, trong đó 21 người trực tiếp bảo vệ. Những nơi có gỗ trắc được dựng lán trại để canh giữ 24/24 giờ. Tổng cộng có 20 lán, mỗi lán 2 người. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, có những cây gỗ trắc bị đốn hạ chỉ cách lán chừng vài chục mét. Thậm chí, sau đó lâm tặc còn quay lại đào tận gốc. Việc này khiến dư luận nghi ngờ có sự tiếp tay của lực lượng bảo vệ rừng. Trả lời về vấn đề này, ông Lương Quốc Thế, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, cho biết: “Từ khi ban được tái tổ chức vào năm 2012, chúng tôi chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh cán bộ móc nối với lâm tặc để phá rừng. Sự việc chỉ dừng lại ở mức có dấu hiệu móc nối và chúng tôi cũng đã xử lý bằng cách sa thải hơn 10 nhân viên”.

Cũng theo ông Thế, việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây cực kỳ khó. Lâm tặc thường đi thành nhóm từ 6 người trở lên. Chúng rất hung hãn, luôn mang theo kiếm, mã tấu và sẵn sàng ăn thua với kiểm lâm. “Thực tế ngay cả tôi đi tuần tra cũng bị lâm tặc dùng dao bao vây, đe dọa; nhiều anh em khác bị lâm tặc tấn công phải đổ máu, ngoài ra còn bị khủng bố bằng tin nhắn. Cái khó nữa là khu rừng lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc và vườn rẫy cao su, cà phê của dân nên có nhiều đường mòn vào rừng. Lâm tặc lại rất tinh ranh khi chỉ dùng cưa tay để cưa nhằm hạn chế tiếng ồn. Có trường hợp khi “xẻ thịt” cây, chúng dùng dây thừng cột cố định cây cần cưa vào các cây bên cạnh nhằm không cho cây ngã xuống đất tạo tiếng ồn, chúng để cây treo lơ lửng rồi “mần thịt” từ từ”, ông Thế nói.

Võ Phúc

Tin cùng chuyên mục